Chàng trai cụt 2 tay lan tỏa nghị lực sống trong 'Trạm yêu thương'
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về nghị lực sống của chàng trai thiết kế đồ họa cụt 2 tay Dương Hữu Phúc sẽ không chỉ lấy đi nước mắt của khán giả Trạm yêu thương mà còn mang nhiều thông điệp truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Câu chuyện về hành trình vượt khó nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ Dương Hữu Phúc (27 tuổi, Lạng Sơn) mất cả 2 tay sau tai nạn nổ bình oxy, sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề Phép thử cuộc đời lên sóng 10h thứ Bảy ngày 12/3 trên kênh VTV1.
Mỗi nhân vật đến với Trạm yêu thương, hành động đầu tiên là dùng tay lắc chiếc chuông gió như một âm thanh báo hiệu. Dương Hữu Phúc thì ngoại lệ, anh dùng khuỷu tay của mình rung chuông để chứng minh rằng, dù không có hai bàn tay, nhưng Phúc vẫn có thể làm được mọi việc như bao người bình thường bằng cách khác.
Mang đến Trạm yêu thương những vòng hoa nguyệt quế do chính mình làm ra, Dương Hữu Phúc tự hào khoe rằng đó từng là công việc giúp hai mẹ con trang trải cuộc sống. Phúc còn mang đến một vật đặc biệt, gọi là vật bất ly thân của mình - "cánh tay ăn".
Phúc giải thích, vì không còn ngón tay để cầm đũa, thìa, nên sẵn kinh nghiệm từng làm cơ khí, Phúc nảy ra ý tưởng làm "trợ thủ" đắc lực cho mình. Chàng trai này dùng một nửa chai nhựa, đầu chai đúc 1 chiếc dĩa, đầu còn lại gắn vào tay đã cụt như tay giả.
Những ngày đầu chưa quen, cơm canh, thức ăn vương vãi khắp nhà, phần tay cắm vào hộp nhựa sưng tấy. Nhưng Phúc không bỏ cuộc, 7 năm nay, nhờ "cánh tay" đó mà việc ăn uống của Dương Hữu Phúc trở nên dễ dàng.
Kể về lí do mất cả 2 tay, Phúc nghẹn ngào nhớ lại: Đó là ngày mà Phúc không thể nào quên. Ngày 21/5/2014, Phúc đang làm thêm tại một xưởng cơ khí, bỗng nhiên bình oxy phát nổ. Khi tỉnh dậy, Phúc thấy bông băng quấn kín người. Lúc nhìn xuống tay, thấy không còn nữa Phúc đã rất hoảng sợ.
Đôi bàn tay bị thương quá nặng, phải cắt đến gần khuỷu tay. Đau đớn về thể xác và tinh thần như nhân lên gấp bội vì chỉ còn 12 ngày nữa là Phúc bước vào kì thi đại học. Mất đi đôi tay là mất đi mọi thứ, ước mơ trở thành kiến trúc sư của Phúc vì thế mà dang dở.
- 'Trạm yêu thương': Nam sinh người Dao 'ngược chiều gió' mang chữ xuống phố
- 'Trạm yêu thương': Nghị lực phi thường của Hoa khôi một chân Bế Thị Băng
- 'Trạm yêu thương': Nhóm sinh viên Đại học Y kể ngày tháng khốc liệt ở tâm dịch Sài Gòn
Thời gian đầu Phúc rất đau đớn, tuyệt vọng nhưng khi thấy mẹ khóc, Phúc tự nhủ: "Còn sống là còn tương lai. Nếu không thử thì làm sao biết được mình có thể làm những gì? Mình cũng không thể phụ thuộc vào mẹ mãi".
Từ đó, chàng trai bắt đầu thử làm mọi thứ với hai cánh tay cụt của mình. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Phúc dần làm được mọi việc từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, và sau đó là cầm bút viết.
Giây phút viết được tên mình ra giấy, Phúc như sống lại lần thứ hai, vì điều đó đồng nghĩa với việc Phúc có thể viết tiếp ước mơ vào đại học. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, Phúc kể 2 mẹ con vừa mừng vừa lo. Mừng vì những nỗ lực của mình đã được đền đáp, lo vì không biết lấy tiền đâu đi học.
Vì quyết tâm của Phúc, 2 mẹ con đã quyết định rời quê nhà, khăn gói lên Hà Nội nhập học. Đối với người bình thường, học chuyên ngành thiết kế đã khó, đối với người mất đi đôi bàn tay như Phúc, khó khăn càng nhân lên. Thế nhưng chàng trai ấy vẫn học tập tốt, ra trường và thậm chí còn xin được việc tại một công ty về kiến trúc.
Với thu nhập 7 triệu/tháng, Phúc dành cho mẹ 4 triệu đồng, phần còn lại lo cho cuộc sống của mình. Khi MC Minh Hằng hỏi từng đó có đủ để chi tiêu khi ở thành phố? Phúc cười: "Chỉ cần mẹ đủ thì em thế nào cũng là đủ". Ở Phúc lúc nào cũng tràn ngập sự lạc quan, yêu đời.
Món quà từ Trạm yêu thương giúp Dương Hữu Phúc phần nào trang trải chi phí sinh hoạt, chữa bệnh cho mẹ, để có thêm nghị lực viết tiếp ước mơ của mình.
Tiểu Phong. Ảnh: VTV