Trái ớt, cái ốc
(Thethaovanhoa.vn) - Thật ra, nói chuyện cái ốc, giờ đã không còn thời sự nữa.
Cái ốc neo không được đúc nguyên khối gánh lỗi cho cây cầu treo Chu Va 6 ở Tam Đường, Lai Châu sập làm chết 8 người, bị thương hàng chục người hôm qua đã nhẹ tội hơn khi người ta phát hiện ra trụ cầu bê-tông ở đây được xây bằng gạch, chứ không được đúc bằng bê tông nguyên khối theo như thiết kế của cầu treo.
Tất nhiên, Ban QLDA và các vị có trách nhiệm với cây cầu này đã giải thích một cách duy mỹ rằng, trụ cầu vẫn bằng bê tông, chẳng qua trát không phẳng nên xây gạch bao quanh bên ngoài cho nó đẹp thôi. Vả lại, đứt dây neo có phải tại trụ cầu đâu. Mạng người, chừng ấy, do một con ốc không nguyên khối hay do một trụ cầu xây gạch, mất là đã mất rồi. Để tranh rủi ro, những người dân vùng núi men suối đi. Đến mùa lũ, chắc khó mà đi như thế. Cảnh đu dây qua sông qua suối rồi sẽ tái diễn, nhưng biết làm sao, cái sự thanh minh lòng vòng kiểu ốp gạch thêm cho đẹp khó làm người ta biết đường rút kinh nghiệm lắm.
Giờ, đến chuyện trái ớt!
Thật ra, mấy ngày vừa rồi, quá nhiều chuyện to lớn để bàn. Chiến tranh, chấn động thật, nhưng ở Ukraine, nếu quan tâm thì con số 1.800 người chết vì tai nạn giao thông trong hai tháng đầu năm nay ở nước ta còn gây chấn động hơn. Đấy là vụ gây tai nạn ở Xã Đàn tối 3/3 còn chưa được thống kê. Có cái lối nghĩ quái gở độc ác nào để kẻ gây tai nạn cho rằng đâm chết còn bị phạt ít hơn đâm người ta sống dở chết dở? Lương tâm con người sao không còn một mảy may nào thế?
Rồi chuyện môn sử có…0% học sinh chọn làm môn thi tốt nghiệp (!)- câu trả lời đầu tiên rất thiếu thiện chí cho những cải cách thi cử mới đưa ra. So với chuyện ấy, chuyện trái ớt nhỏ quá, dường như ít người nói đến. Có điều, chuyện nhỏ ấy lại không nhỏ với các cháu tiểu học. Trong hai ngày 18 và 19/2, ba giáo viên Lê Thị Ánh Tuyết - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B1, Nguyễn Tiến Giáp - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B2 và Nguyễn Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 5B1 Trường tiểu học Hoàng Diệu (Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập) đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp.
Báo Phụ nữ đưa tin : Nhiều em bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục để “giải cay” đã về thuật lại cho phụ huynh. Sau đó nhiều phụ huynh làm đơn kiến nghị nhà trường, cơ quan chức năng và gửi báo Tuổi Trẻ bày tỏ bức xúc, đồng thời yêu cầu xử lý các giáo viên về cách giáo dục học sinh chưa đúng phương pháp, phản giáo dục. Nhà trường đã có cuộc họp xử lý vi phạm đối với các giáo viên phạt học sinh ăn ớt vào chiều 25/2, và đã thống nhất sẽ cắt thi đua đối với ba giáo viên Lê Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Tiến Giáp và Nguyễn Thị Hương trong năm học 2013-2014. Riêng cô Lê Thị Ánh Tuyết (người phạt nhiều học sinh ăn ớt nhất) cho nghỉ khối trưởng khối 4, đưa ra khỏi nguồn đối tượng Đảng và cho nghỉ thành viên ban thanh tra nhân dân. Chỉ bị cắt thi đua thôi, vì chuyện này có lẽ coi là nhỏ như trái ớt. Nhưng có ai hình dung ngần ấy đứa trẻ bị bắt ăn ớt cay đến trào nước mắt như thế nào không? Và không phải một giáo viên mà đến ba giáo viên cùng thực hiện cái hình phạt quái gở này với trẻ em. Trái ớt ở đây không hề là chuyện nhỏ.
Lại càng không nhỏ nữa, khi Huỳnh Thế Anh, một thanh niên ở Đức Hòa Long An vừa viết đơn tố cáo công an huyện bắt, dùng nhục hình đánh rất nhiều “tôi đau quá chỉ biết kêu rên, gục đầu xuống bàn nhưng mấy anh đổ thừa rằng tôi say xỉn và tiếp tục đánh. Có anh vừa đánh vừa tuyên bố “tao đánh cho mày mang bệnh về sau mới hả dạ”. Họ còn xát ớt vào vùng hạ bộ của tôi nữa, nhục lắm anh ơi mà không kêu được”. Gia đình cho hay, lúc được thả tự do, mang thương tích khắp mình mẩy (theo Pháp luật Việt Nam) từ lúc trở về từ trụ sở công an, anh Anh không ăn uống được, chân tay sưng phù bước đi không nổi. Nghiêm trọng hơn, Anh có triệu chứng bí tiểu, hai bên màng tai rỉ chảy chất dịch màu vàng. Ngày 15/2, hơn tuần lễ sau khi xảy ra sự việc, thanh niên này vẫn đang được gia đình chăm sóc trong tình trạng quấn băng nhiều bộ phận trên cơ thể. Vụ bắt và dùng nhục hình này liên quan đến một vụ xô xát mà nạn nhân chỉ là người đứng ngoài.
Những chuyện nho nhỏ như trái ớt, nghĩ cho cùng quá lớn, bởi đấy không phải tai nạn, mà là cách hành xử giữa con người với con người. Đau hơn nữa, là giữa giáo viên với học sinh tiểu học, giữa lực lượng bảo vệ an ninh với dân thường. Không thể nói tốt về nó, cũng như không thể lấy gạch xây trụ cầu bê tông cho đẹp
Ngại nhất, cuối cùng, từ những hành xử kiểu trái ớt ấy, nguyên nhân của mọi chuyện vẫn chỉ là con ốc thôi!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần