Trải nghiệm văn hoá Việt Nam cùng vở rối thử nghiệm 'Trăng'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa ra mắt chương trình nghệ thuật thử nghiệm mang tên “Trăng” – chương trình mang đậm nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền Việt Nam.
Sự kết hợp giữa các loại hình rối nước, rối cạn, âm nhạc dân tộc và đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam, mang đến cho khán giả những trải nghiệm đầy mới mẻ với nghệ thuật múa rối Việt.
* Đi dọc Việt Nam cùng rối Việt
Dưới vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của ánh trăng, trong tiếng nước chảy róc rách của guồng quay nước, trong tiếng sáo tiêu bay bổng, tiếng đàn tính réo rắt…, các chàng trai, cô gái dân tộc trong trang phục rực rỡ, với những chiếc ô đầy màu sắc tô điểm thêm vẻ đẹp cho núi rừng miền núi phía Bắc… khiến khán giả có cảm giác như mình đang có mặt ở miền sơn cước xa xôi, hòa mình trong niềm vui đón xuân mới, đón vụ mùa bội thu… cùng với bà con các dân tộc phía Bắc.
Từ miền núi phía Bắc, ánh trăng huyền ảo đưa khán giả đến vùng đồng bằng Bắc bộ với hình tượng của những con cò vui nhộn trên cạn, dập dờn dưới nước, những đôi nam nữ hẹn hò lãng mạn… Rồi ánh trăng dịu dàng cùng những câu hò, câu ví ngọt ngào đưa khán giả đến với không gian huyền ảo, dịu dàng của cố đô Huế, với nét trầm mặc của phố cổ Hội An… Ánh trăng ấm nóng nhuộm sáng núi rừng đại ngàn Tây Nguyên, đưa người xem đến với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong tiếng cồng chiêng, trong tiếng đàn t’rưng rộn ràng và những vũ đạo truyền thống mạnh mẽ, khỏe khoắn của các chàng trai, cô gái Tây Nguyên.
Rời Tây Nguyên hùng vĩ, khán giả lại được hòa mình trong ánh trăng ấm áp của vùng đất phương Nam với những làn điệu dân ca ngọt ngào, cùng vũ điệu múa mâm vàng, múa hoa sen đặc sắc mang đậm nét văn hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Có thể nói, thông qua hình ảnh, vẻ đẹp huyền ảo của ánh trăng, thông qua âm nhạc, những làn điệu dân ca, dân vũ các vùng miền, những nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam được ê kíp sáng tạo vở rối thử nghiệm “Trăng” đưa lên sân khấu múa rối một cách đầy bất ngờ. Những con rối được tạo hình đẹp và ngộ nghĩnh, biến hóa trên sân khấu múa rối cùng nhiều mảng miếng, trò rối kết hợp với diễn xuất của các nghệ sỹ, với âm nhạc được phối khí theo phong cách đương đại, bay bổng nhưng vẫn mang đậm chất truyền thống, kết hợp với dàn âm thanh - ánh sáng hiện đại, công phu tạo nên một không gian sân khấu mở… đã mang tới một chương trình nghệ thuật đầy sáng tạo, đầy chất thơ, nhiều tầng ý nghĩa, đưa người xem trải nghiệm những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc, các vùng miền ở Việt Nam.
Ê kíp sáng tạo vở diễn bao gồm tác giả, đạo diễn – Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, họa sỹ tạo hình là Nghệ sỹ Ưu tú Thế Khiển, trang trí mỹ thuật là họa sỹ Ngô Thắng, âm nhạc do các nhạc sỹ Trần Đức Minh, Minh Dương và Xuân Phương thể hiện. Vở rối do Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm và Đoàn nhạc - Nhà hát Múa rối Việt Nam kết hợp biểu diễn.
Chia sẻ về ý tưởng vở diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn vở “Trăng” cho biết: Trăng là vật thể được tạo hóa thiên nhiên ban tặng luôn gắn bó, gần gũi với hình ảnh đẹp đẽ, yên bình, nhưng rất đỗi quen thuộc trong mỗi con người. Trong đêm tối, ánh trăng sáng vằng vặc soi tỏ, vạn vật được khoác trên mình những quầng sáng óng ả, lung linh đầy huyền diệu. Trăng cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho bao ý thơ, khúc nhạc, câu văn, tác phẩm đầy lãng mạn của các thi sỹ, văn nhân trên toàn thế giới… Chính vì vậy, anh có ý tưởng thông qua vẻ đẹp tuyệt vời của ánh trăng, sự kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cạn với múa rối nước cùng âm nhạc dân tộc thành tác phẩm nghệ thuật đương đại đặc sắc giới thiệu với khán giả về nét đẹp của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Khán giả sẽ có những trải nghiệm mới về nghệ thuật múa rối
- Xem nghe thấy đọc cuối tuần: Từ Lễ hội múa rối 'Ước mơ xanh' đến đếm nhạc 'Dưới lá quân kỳ'
- Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, Bắc Ninh: Nghìn năm Kinh Bắc
* Đưa rối vào hút khách du lịch
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết, vở diễn “Trăng” được xây dựng không dựa trên một câu chuyện cụ thể nào, mà lấy nền là yếu tố văn hóa đặc sắc của các vùng miền Việt Nam, với một chủ thể dẫn dắt xuyên suốt là ánh trăng. Vở diễn được xây dựng từ mong muốn có một show diễn du lịch mang nhiều màu sắc văn hóa nghệ thuật như ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc... Chính vì vậy lần này, ê kíp sáng tạo đã sử dụng nhiều yếu tố trình diễn như âm nhạc dân tộc, múa kết hợp với nghệ thuật múa rối để tạo sức hấp dẫn riêng.
“Chúng tôi đã mạnh dạn đưa các nét văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền để làm sao khách du lịch khi tới xem với chương trình sẽ phần nào có thêm những hiểu biết về nhiều nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam”, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Hào hứng rời Nhà hát Múa rối Việt Nam sau khi xem vở rối thể nghiệm “Trăng”, chị Minh Hường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị rất thích thú khi xem vở diễn này, bởi trong chương trình này, không chỉ được xem múa rối cạn, rối nước truyền thống của Việt Nam, chị còn được thưởng thức âm nhạc của các vùng miền, được tìm hiểu, khám phá thêm những nét đẹp văn hóa của cả ba miền Bắc – Trung – Nam. “Đặc biệt, tôi rất thích thú khi thấy những con rối được tạo hình vô cùng ngộ nghĩnh, đẹp mắt như hình rối con cò mặc áo tơi với động tác ngậm que vàng, hay những con rối mô phỏng người Tây Nguyên vác trên lưng những chiếc gùi ngộ nghĩnh, rồi những con rối tạo hình hoa sen đẹp lung linh, huyền ảo… tất cả đã mang đến cho tôi những cung bậc cảm xúc đầy thú vị.”, chị Minh Hường chia sẻ.
Không chỉ chiếm được cảm tình của khán giả, ngay cả những người trong nghề cũng dành nhiều lời khen ngợi cho chương trình. Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ, Quyền Trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá, “Trăng” là một chương trình hấp dẫn bởi đã kết hợp ăn ý giữa nghệ thuật múa rối với nghệ thuật ca, múa, nhạc. Đạo diễn đã tận dụng tốt mọi không gian và các tầng sân khấu đầy sáng tạo. “Với ‘Trăng’, các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thêm một lần khẳng định, múa rối không chỉ phục vụ cho trẻ thơ, cả người lớn cũng sẽ bị hấp dẫn. Điều thú vị hơn cả là lồng ghép trong một chương trình nghệ thuật tổng hợp khiến các tiết mục múa rối càng nổi trội và thu hút hơn”, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ khẳng định.
Nhiều nghệ sỹ khi xem vở "Trăng" đã đánh giá, vở diễn được hoan nghênh bởi đã tạo nên một không khí giải trí nhẹ nhàng trong tổng hòa chung của một chương trình nghệ thuật đa sắc màu. Đây là một thử nghiệm đáng ghi nhận trong việc tìm tòi thay đổi hình thức thể hiện cho sân khấu múa rối nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật, đồng thời hướng tới đối tượng khán giả chính của chương trình lần này là phục vụ khách du lịch.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết, vở rối thử nghiệm “Trăng” được ra mắt nhằm đón đầu Tết Tân Sửu 2021, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ chính thức bán vé phục vụ khán giả thưởng thức từ ngày 8/2/2021.
Phương Lan - TTXVN