Tp. Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 22 tuyến phố đi bộ
Đến năm 2025, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 22 tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố. Đây là nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất đến năm 2025 tổ chức phố đi bộ khu trung tâm thành phố vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, phạm vi được chia thành ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2022 – 2023) tổ chức trên khu vực Công trường Quốc tế - Phạm Ngọc Thạch – Công xã Paris – Đồng Khởi – Lê Lợi, kết hợp với các tuyến Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu tại khu vực chợ Bến Thành (đang tổ chức chợ đêm).
Giai đoạn 2 (năm 2023 – 2024) mở rộng phạm vi trên đường Đồng Khởi từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng và các tuyến đường nhánh gồm Công trường Lam Sơn, Nguyễn Thiệp, Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Phan Văn Đạt, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp. Trong khi đó, giai đoạn 3 (năm 2024 – 2025) mở rộng phạm vi thực hiện trên đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Thi Sách, Thái Văn Lung.
Các giải pháp để tổ chức phố đi bộ được Sở Giao thông Vận tải đặt ra là cải tạo nút giao, hè phố cho người đi bộ; tổ chức phân luồng, phân làn giao thông; tăng cường kết nối với mạng lưới giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới, bãi đỗ xe cá nhân; cải thiện cảnh quan, chiếu sáng, trang trí đường phố...
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, một số quận huyện có đề xuất tổ chức điều chỉnh tổ chức giao thông trên một số tuyến đường để tổ chức đi bộ. Tuy nhiên, các phương án đề xuất còn định tính, chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa đánh giá cụ thể tác động đến giao thông, kinh tế, môi trường. Do đó, việc nghiên cứu Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ là thực sự cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện về các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn để có lộ trình triển khai chất lượng.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài của Tp. Hồ Chí Minh là giảm lưu lượng xe ô tô đi vào các khu trung tâm thành phố, cải thiện chất lượng sống của người dân; đồng thời góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm, nơi có nhiều công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc – văn hóa đặc sắc của thành phố.
Tiến Lực/TTXVN