Tổng giám đốc ELISE, Lưu Nga: Thay đổi tư duy để thời trang Việt ra thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Bà Lưu Nga là một trong số ít người Việt có mặt tại Paris Fashion Week 2016 - Tuần lễ Thời trang Paris, sự kiện thu hút những người làm thời trang của cả thế giới. Trở về từ “kinh đô ánh sáng”, bà Lưu Nga lại nuôi tiếp cho mình giấc mơ “ra biển lớn” trong một cuộc đua đường dài, đua với hoàn cảnh và chính mình, để xây dựng thương hiệu thời trang Việt.
- Thời trang Việt Nam ra mắt cả 1.000 mẫu cho Thu Đông 2016
- Khai mạc Hội chợ Thời trang Việt Nam 2014
- Thời trang Việt - hài hòa giữa sáng tạo và ứng dụng
* Không chỉ ủng hộ nhiều chương trình thời trang trong nước, chị khá “chịu chi” tới tham dự các tuần lễ thời trang quốc tế. Lý do là gì vậy, thưa bà?
- Các tuần lễ thời trang quốc tế uy tín là nơi hội tụ tinh hoa thế giới. Mỗi khi có cơ hội tham dự các tuần lễ thời trang, tôi được hòa mình vào không khí lễ hội thời trang và thăng hoa cảm xúc làm mới lại tư duy của mình. Ngoài ra, đi nhiều giúp tôi được gặp gỡ và giao lưu với nhiều người trong nghề giỏi giang, để phát hiện và bắt kịp các trào lưu mới.
Mỗi người có cách tiêu thời gian và tiền bạc khác nhau, có nhiều người chi hàng ngàn USD mua 1 bộ đồ để mặc. Ngoài việc chi tiền để có những sản phẩm đó tôi cần phải chi tiền để học cách sáng tạo ra những sản phẩm đó.
* Bà thấy gì từ những sự kiện hào nhoáng như vậy?
- Tôi được chiêm ngưỡng những giá trị lao động sáng tạo đỉnh cao. Đánh giá lại công việc và mục tiêu của mình. Tôi cố gắng để thấy đằng sau hậu trường những sự kiện đó người ta đã phải tư duy và làm việc ra sao và tại sao người ta phải làm như vậy. Đến với Paris tôi không chỉ là đến với những sự kiện hào nhoáng như bạn nói mà đến với phía sau nó, đến để được cảm nhận thực sự không khí phía sau sự thu hút đó là gì
* Bà từng chia sẻ muốn góp phần đưa thời trang Việt có mặt trên bản đồ thời trang thế giới. Khi ở giữa “kinh đô thời trang”, bà có kỳ vọng mong muốn đó thành hiện thực?
- Đúng. Tôi không kỳ vọng mong muốn mà có kế hoạch cho chiến lược đi ra thế giới. Sau 3 năm nữa, khi tôi có nền tảng vững chắc tại Việt Nam, thị trường có nhiều thuận lợi với tôi và khi góp đủ sức mạnh sáng tạo và tài chính tôi sẽ tiến ra các trung tâm thời trang Châu Á như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Singapore và có thể xa hơn nữa.
* Lâu nay, thị trường dệt may - thời trang Việt nói chung được xem là “lò” gia công cho các thương hiệu lớn. Và thật là bất công khi người Việt phải bỏ hàng ngàn USD mua những sản phẩm được người Việt làm ra. Và còn nghịch lý hơn khi “hàng Trung Quốc” lũng đoạn thị trường dưới mác “made in Vietnam”. Bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ bất công, công làm ra sản phẩm rất rẻ, công nghĩ ra và tạo dựng thương hiệu mới cao. Cũng như tôi đã nói kinh doanh thời trang và bán quần áo hoàn toàn khác nhau. Một bên là tri thức một bên là lao động chân tay. Công thức của thời trang là 75% thương hiệu; 25% sản phẩm, trong đó phí gia công dưới 5%.
Chúng ta quá hạnh phúc nếu được 5% nhưng thực tế còn bị cắt xén bởi các nhà thầu... Vì vậy bỏ ra ngàn USD mua một bộ áy, áo và nhận 10USD để gia công là phù hợp. Điều nghiệt ngã đó dạy chúng ta biết làm việc đúng giá trị.
Chuyện hàng Trung Quốc giả danh Việt Nam lại là vấn đề của quản lý thị trường, hải quan, biên phòng... không thuộc lĩnh vực thời trang. Tôi không muốn bàn đến việc đó, bởi tôi không sợ rào cản bên ngoài đó, thứ tôi sợ nhất bây giờ là chính mình, chính mình có đủ sáng tạo và quyết tâm hay không để chiếm lĩnh và thuyết phục người Việt.
* Người Việt giờ xính hàng ngoại, cứ mác ngoại là ưa chuộng...
- 80% quyết định mua hàng là do tình cảm. Người Việt thích hàng ngoại là đúng bởi vì hàng Việt chưa bằng hàng ngoại. Họ ghét hàng Việt bởi sự thiếu nghiêm túc trong tư duy của các ông chủ Việt. Đó là chộp giật, thiếu trách nhiệm và không uy tín. Tại sao họ chuộng hàng Nhật hãy xem tính cách con người Nhật so với Việt sẽ rõ.
Tâm lý này đã từng phần đang cải thiện và xoay ngược lại 180 độ nếu các thương nhân Việt thực sự có trách nhiệm với hàng hóa của họ và khách hàng của họ. Hiện nay nhiều hàng Việt vẫn được chuộng hơn hàng ngoại đấy thôi.
* Rất nhiều “hàng hiệu” được tiêu thụ ở Việt Nam. Bà dự đoán khi nào quần áo của Việt Nam được bày bán ở nước ngoài?
- Hiện nay đã có hàng thương hiệu Việt ở nước ngoài nhưng các nước nhỏ và nghèo. Tôi dự đoán khi nào doanh nhân Việt thay đổi tư duy thì quần áo Việt sẽ lên ngôi. Việc quyết định không ở sản phẩm mà ở chỗ tại sao họ phải mua sản phẩm của chúng ta. Tôi là một người theo chủ nghĩa đó và lợi thế của tôi là tư duy có sẵn, chỉ cần hành động đúng tư duy đó, thì hàng Việt của chúng tôi sẽ có mặt ở nước ngoài một cách thuyết phục nhất.
* Bản thân bà có “xài” đồ ngoại không?
- Tôi có xài rất nhiều hàng ngoại... (cười). Chủ yếu đến từ những thương hiệu rất đắt đỏ và là đỉnh cao của hàng hóa, tôi đánh giá cao ở “giá trị thương hiệu” mà các thương hiệu ngoại đó đã làm được. Tôi không dùng hàng ngoại có chất lượng bình thường kể cả khi thương hiệu đó đình đám và ngược lại chất lượng rất đẳng cấp nhưng thương hiệu không có tiếng nói tôi cũng không quan tâm.
Tôi không thích hàng Việt tồi và ngược lại cực kỳ ủng hộ hàng Việt có trách nhiệm với người tiêu dùng, đó là lý do tôi quyết liệt về chất lượng hàng hóa và giá trị thương hiệu đi đôi với nhau.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Việt Nam may mắn nằm giữa Châu Á phát triển năng động và nhanh nhất thế giới. Nếu ai đã từng qua Châu Phi chậm chạp có phần lười biếng, Nam Mỹ hơi bừa bộn hoặc gần nhất là Đông Nam Á thì sẽ thấy chúng ta còn may mắn như lời một người bạn Mỹ của tôi sau khi thăm Việt Nam: “Mọi người chăm chỉ, cần cù và chịu khó, dân tộc này còn có tương lai”...” (chia sẻ của bà Lưu Nga). |
Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần