Tòa thành cổ 500 năm trên đường 'Thượng đạo' xưa
(Thethaovanhoa.vn) - Tòa thành được người dân truyền miệng là “Thành Nhà Mạc”. Cũng có ghi chép là “Thành Bá Lan” - lấy tên làng cổ Bá Lan ở đây. Trên một số bản đồ ghi là “Thành cổ Lương Sơn”. Nằm ở xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) - ngay sát con đường “Thượng đạo” xưa , thành cổ Bá Lan còn khá nguyên vẹn, nhưng lại rất ít được biết đến.
Đây là một tòa thành cổ hình gần vuông, mỗi cạnh dài khoảng trên 200m, hiện còn thấy 2 cổng xây gạch bát nung đỏ mở ở chính giữa mỗi cạnh phía Nam và Tây. Cổng phía Đông đã bị khai thác hết, chỉ còn móng ngập sâu dưới hào nước. Không thấy dấu tích kiến trúc gạch của cổng phía bắc. Từ các cổng thành xây bằng gạch đỏ và đá ong kiên cố chạy về 2 bên là tường thành dày 80cm, cao khoảng 4m xây bằng đá ong, vôi cát mật.
Bao quanh thành là hệ thống hào nước với bề rộng nguyên thủy vào khoảng 20-25m, nay đã cạn, trồng sen. Đất đào hào là đất đồi màu vàng dùng để đắp đường thoải bên trong thành. Rất đáng chú ý là tường thành đá ong đã lượn ra ở các góc để tạo nên 4 hỏa hồi nhô cong tròn 4 góc Đông Nam/ Đông Bắc/ Tây Nam/ Tây Bắc mà hiện vẫn giữ nguyên hình hài và còn phần móng gạch khá nguyên vẹn phát hiện ở góc Đông Bắc tòa thành.
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 8): Kỳ lạ thói quen 'ăn đá' của cư dân cổ Xóm Trại
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 7): Bất ngờ với tượng 2 người nam cưỡi voi trên cán dao găm
Tòa thành xây kiên cố trên thềm (địa chất) Pleistocene 15m so với mực nước biển bao quanh rìa phía Tây của “vịnh Hà Nội cổ” thời kỳ biển tiến. Chính ngấn thềm này đã tạo ra vành đai “Thượng đạo” của đồng bằng thấp của sông Hồng với đỉnh Việt Trì (Phú Thọ) qua Sơn Tây - Xuân Mai - Chợ Bến qua eo khe Cúc Phương vào Thanh Hóa. Nước từ khối núi phía Kim Bôi theo dòng sông Huỳnh, sông Bôi, tụ tạo thành tuyến hồ nước chạy dọc từ Miếu Môn đến Hương Sơn, Kim Bảng, Nho Quan khiến con đường “Thượng đạo” có vị trí chiến lược quan trọng trong việc gắn nối 2 miền Giao (Châu)/ Ái (Châu) từ ngàn đời nay.
Lưng phía Bắc của tòa thành hiện tựa vào dòng sông Huỳnh và hệ núi sót với hồ đầm bao bọc đã lý giải tại sao phía này đã không có một cổng thành xây như các mặt thành khác mà có lẽ là một “cửa bến” như dạng “ủng quan” để chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa theo đường nước vào thành.
Lần tìm hình thể tòa thành
Để xác minh hiện trạng và cấu kiện gốc của di tích, tháng 6/2015, đoàn công tác đã tiến hành các hố thăm dò khảo cổ học kết hợp đo vẽ, khảo sát thực địa trên bề mặt.
Đoàn đã đào các hố thám sát ở khu vực cổng thành phía Tây, phía Nam nhằm làm rõ nền kiến trúc gạch cổng thành, tương quan cấu kiện đá kê với kiến trúc móng gạch và độ sâu và chiều cao của phần móng tường thành xây bằng gạch tổ ong; cùng một số hố ở trong thành…
Tại một số hố đào trong vườn ổi, góc phía Tây Bắc, là khu vực có mật độ sành sứ và gạch ngói cao nhất, chỉ thu được một số gốm mảnh các thời và một mảnh sắt gỉ hình chữ U có rìa lõm. Các cụ trong làng nói thường thấy hiện vật này ở khu trung tâm thành, và gọi đó là móng ngựa.
Qua cuộc khảo sát có thể hình dung, thành hình gần vuông và xây theo trục Đông - Tây - Nam - Bắc với độ sai lệch thấp. 2 cạnh phía Nam và Bắc rộng khoảng 200m, 2 cạnh phía Tây và Đông ngắn hơn, khoảng 180m. 4 góc thành lượn nhô ra khoảng 5-6m thành một vòng cung tròn tạo thành 4 hỏa hồi có đường kính rộng khoảng 25m. Dấu tích của móng gạch phần hỏa hồi này còn ở góc phía Đông Bắc tòa thành.
Xung quanh thành là tường xây đá ong cao 4m, có hào sâu bao quanh. Phía hào sâu tường dựng đứng, phía bên trong thành thì đất dốc thoải dần từ mặt thành xuống, tạo mặt cắt hình thang vuông bề rộng đáy khoảng 5-7m. Chính giữa mỗi cạnh tường thành là một cổng lớn, kiên cố, cao khoảng 6m, rộng gần 20m, xây bằng gạch bát (cổng Nam và Tây).
Cổng phía Đông đã bị san phẳng, không còn nữa và cũng không thấy dấu tích gạch bát mà chỉ thấy gạch đá ong. Việc ra vào thành ban đầu theo thiết kế chắc hẳn phải dùng cầu kéo qua hào nước. Trước cổng phía Nam, ở trục chính giữa cổng, bên kia hào nước, có một gò đất nổi cao trên 2m, rộng hàng trăm mét, đã bị san bằng thành ruộng cấy từ những năm 1960. Có thể hình dung đây là một ụ bình phong che chắn chính môn phía Nam.
đường thiên lý Thượng đạo Bắc Nam nằm ở phía Tây tòa thành và cách khoảng 500 mét đường chim bay. Con đường này hiện còn dấu vết là con đường người Pháp đã khai thác nằm về phía Tây (núi) và đi song song với đường Hồ Chí Minh hiện nay.
“Chốt chặn” con đường Thượng đạo
Trên phương diện khảo cổ học có đủ dữ kiện gốm sứ mảnh gắn với quá trình xây dựng tòa thành từ thế kỷ 16 và được sử dụng nhiều trong khoảng nửa sau thế kỷ 16 đến thế kỷ 17 cũng như sau đó từ thế kỷ 19-20 đến nay.
Chủ nhân tòa thành thuộc về nhà Mạc trong chiến lược chốt chặn con đường Thượng đạo thông với miền Hà Trung, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) do các tướng Trịnh, Nguyễn phù tá Lê Trung Hưng làm căn cứ.
Vị trí tòa thành gắn với vị trí thành Cao Bộ thời Lê Lợi đánh nhà Minh thế kỷ 15. Nơi đây còn giữ địa danh Cao Đăng, Cao Dương. Việc lập tòa thành lớn, kiên cố ở đây không được lưu trong sử sách, có lẽ nó gắn với một thời gian ngắn ngủi chiến tranh Mạc - Lê (Trung Hưng) ở nửa sau thế kỷ 16 mà thôi. Khi mô tả, ghi chép về con đường Thượng đạo từ xứ Thanh qua đây, Lê Quý Đôn đã từng nhận xét là từ thế kỷ 17, sau khi nhà Lê Trung Hưng dẹp tan nhà Mạc thì đường này không dùng nữa, cỏ dại mọc um tùm, không rõ lối đi. Đại Nam Nhất Thống Chí và các sách địa dư chí sau này cũng đều nhận xét như vậy.
Trong thực tế lịch sử Việt Nam thì trong suốt thế kỷ 17-19 nhà nước phong kiến không có nhu cầu phòng vệ ở tuyến đường Thượng đạo cũng như khu vực này đến mức phải xây dựng một tòa thành như vậy. Hơn nữa các tòa thành quy mô như thế đều được sử sách ghi chép đầy đủ trong thời Lê, Nguyễn.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, khi phong trào chống Pháp lan rộng, nhất là ở vùng miền núi, khi quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc ảnh hưởng đến vùng này, chính quyền thuộc địa có nhu cầu sử dụng lại tòa thành. Khu nghĩa trang “mả Tây” nằm ở ngay cổng gạch phía Tây sát bên trong tường thành có lẽ ghi nhận một thời như vậy. Hiện tượng này vẫn được các cụ cao niên trong vùng nhắc đến.
Theo một số ghi chép trong gia phả dòng họ Mạc hoặc liên đới đã bị thất lạc thì tòa thành xưa được ghi nhận với tên là Bá Lan. Người được nhà Mạc giao trọng trách trông coi mặt trận phía Tây Nam này vốn là một trọng tướng của nhà Mạc, đóng quân dinh ở chính thành này. Di duệ ông quan này hiện lưu lạc ở Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An còn lưu giữ gia phả chép tay mới bằng chữ quốc ngữ. Theo chúng tôi, đó là một văn bản có tính logic cao cần được tập trung nghiên cứu. Một dòng họ khác ở vùng Chúc Động, sông Bôi cũng được truyền nhắc tổ tiên tham gia trông thành Bá Lan vào đời nhà Mạc.
Những điều trên gợi mở khả năng tòa thành được xây dựng và tồn tại vào khoảng giữa và nửa sau thế kỷ 16 trong thời nhà Mạc với trọng trách trấn thủ con đường Thượng đạo từ miền núi xứ Thanh ra là hợp lý.
Tòa thành cổ hiếm hoi còn khá nguyên vẹn
Chúng tôi đánh giá cao tòa thành Bá Lan về mặt giá trị di sản vật chất, bởi lẽ, trong khi rất nhiều tòa thành cổ của nhiều địa phương trong nước đã bị san phẳng thì rất may mắn tòa thành Bá Lan được lưu giữ khá nguyên vẹn, đặc biệt cổng thành gạch phía Tây và phía Nam. Nhiều đoạn tường thành bằng đá tổ ong cũng còn nguyên vẹn hoặc chỉ bị dỡ phá phần bề mặt, vẫn còn nguyên phần móng, giúp việc phục dựng tòa thành khá chính xác và dễ dàng. Đây lại là tòa thành xây dựng theo kiểu khá hiện đại với hệ thống hào nước và 4 đầu “hỏa hồi” hình vòng cung mở ra ở 4 góc.
Việc nghiên cứu và phục dựng tòa thành sẽ giúp cho tỉnh Hòa Bình một di sản kiến trúc lịch sử có giá trị cao. Cần phải xếp hạng và bảo tồn, phục dựng tòa thành này.
Theo chúng tôi, do ở kề sát đường Hồ Chí Minh và quần thể du lịch Quan Sơn, Hương Sơn, thành Bá Lan nếu được phục dựng sẽ rất dễ biến toàn bộ khu hồ, núi, sông Huỳnh sát Chợ Bến thành một điểm di tích, du lịch, nghỉ dưỡng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Việt, Hoàng Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Xuyến