Tổ chức sự kiện nghệ thuật, nhìn từ 'Gió mùa'
(Thethaovanhoa.vn) - Làm thế nào để tổ chức được các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thật sự chuyên nghiệp, đạt chất lượng cao? Đó là vấn đề chính được đặt ra tại Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút khoảng 80 khách mời là các nhà quản lý văn hóa trung ương và địa phương, chuyên gia Đan Mạch cùng các nghệ sỹ...
Sáng tạo cũng cần có thị trường
Cụ thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về các chủ đề như làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của các sự kiện nghệ thuật; Xây dựng mạng lưới kết nối các tổ chức nghệ thuật trong khu vực; Làm thế nào để dung hòa các yếu tố nghệ thuật và thương mại trong các dự án? Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với nghệ thuật; Những câu chuyện và bài học kinh nghiệm về việc kết nối nghệ sỹ Việt Nam với thế giới…
Nói về chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chỉ rõ: Ở Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa tính liên kết chưa cao, vì thế công chúng chưa thực sự mặn mà với một số sản phẩm văn hóa. Thế nên, cần thiết phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các chương trình văn hóa nghệ thuật để tạo được niềm tin và sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, chúng ta cần phải xây dựng thương hiệu cho các nghệ sĩ, các sự kiện, các điểm đến văn hóa và cho cả những đơn vị, công ty tổ chức sự kiện.
"Sự sáng tạo nào cũng cần phải có thị trường. Vậy nên cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tránh vi phạm bản quyền" – ông Sơn nói - "Luật Bản quyền của Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng tương đối đầy đủ, tiên tiến, nhưng khi áp dụng vào thực tế còn vướng nhiều khó khăn".
Ông Sơn đưa ra dẫn chứng về việc Hà Nội vừa được công nhận là "Thành phố sáng tạo" và minh chứng cho hướng đi của sự sáng tạo ấy của Thủ đô thông qua những công trình, chương trình như: Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân, hay chính chuỗi chương trình Monsoon Music Festival.
"Nhờ chính những yếu tố văn hóa – nghệ thuật, sáng tạo này, chúng ta sẽ hình thành nên một sự phát triển mới của Thủ đô. Bởi trong hồ sơ đăng ký, Hà Nội có chương trình hành động như xây dựng các trung tâm sáng tạo trong Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh, chương trình nghệ thuật tạo dựng thương hiệu cho Hà Nội (như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), các quỹ, hoạt động tôn vinh sáng tạo..." – ông Sơn nhận xét.
Sáng tạo càng cần phải chuyên nghiệp
Trong phiên thảo luận 4, chủ đề về tác động của các dự án nghệ thuật tới cộng đồng như thế nào, sứ mệnh văn hóa hướng tới tương lai ra sao, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu điển hình Monsoon Music Festival do Công ty Thanh Việt tổ chức.
Chuỗi chương trình này đến nay đã tổ chức được 5 mùa, được đánh giá là một lễ hội âm nhạc thành công tại Việt Nam với tính chuyên nghiệp và chất lượng chuyên môn cao, tạo được uy tín cao trong nước và quốc tế. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, đơn vị tổ chức chuỗi chương trình đã luôn cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất để Monsoon Music Festival trở thành một thương hiệu âm nhạc – văn hóa của Thủ đô, ngày càng lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Năm 2017, Monsoon Music Festival gián đoạn một mùa khi không được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long. Nhạc sĩ Quốc Trung và các cộng sự cũng đã đi tìm địa điểm mới, nhưng tất cả không phù hợp. Ngỡ tưởng, "Gió mùa" sẽ "ngừng thổi", nhưng chính trong quãng thời gian gián đoạn ấy, BTC đã "âm thầm" làm dự án, “thuyết phục” Hà Nội và rất may thành phố đã đồng ý, làm cho giấc mơ về một lễ hội âm nhạc cộng đồng mang tiêu chuẩn quốc tế lại "bùng cháy" đến 2022. Đó cũng là minh chứng cho việc BTC chuỗi sự kiện này đã luôn chủ động, sáng tạo trong việc viết tiếp một câu chuyện tưởng như dang dở, để từ đó xây dựng nên một thương hiệu văn hóa cộng đồng cho Hà Nội.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Monsoon Music Festival, ông luôn nhận được những câu hỏi như vì sao Monsoon Music Festival chưa mời được những nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế - thậm chí là được giải Grammy - tham gia? Thực tế, ngoài chuyện đòi thù lao cao, những tên tuổi này còn rất quan tâm đến độ uy tín của lễ hội, kinh nghiệm tổ chức biểu diễn...
Nhưng điều quan trọng, theo ông Trung, Việt Nam chưa phải là thị trường đủ mạnh như các nước trong khu vực để mời các ngôi sao hàng đầu trên thế giới đến tụ hội. "Đơn giản nhất là việc họ cần tối thiểu 30 - 40 ngàn khán giả đến xem thì mới biểu diễn. Nhưng nền công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam đáng tiếc là chưa có địa điểm nào có sức chứa đáp ứng yêu cầu như trên của họ”- nhạc sĩ nói.
Theo ý kiến của bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), những năm gần đây, nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, nhỏ diễn ra không chỉ ở Thủ đô mà ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, tạo ra được một không khí sáng tạo sôi nổi, đa dạng. Để làm được tốt hơn, chắc chắn cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, quảng bá, gây quỹ cho đến việc phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật.
Bà Hòa cũng cho rằng, những chương trình như Monsoon Music Festival vừa thể hiện được sự sáng tạo, sự hội nhập với quốc tế, giúp quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, vừa tạo ra được những xu hướng mới trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là với những người trẻ.
Cuộc sống luôn cần nghệ thuật "Nghệ thuật đỉnh cao mang lại cảm xúc, sự hứng khởi và những tác động tinh thần tích cực đối với cộng đồng. Những dự án nghệ thuật dù ở đâu đi chăng nữa cũng đều mang tính nhân văn và khuyến khích mọi người làm những điều tốt đẹp. Chắc hẳn chúng ta không ai phủ nhận sự tác động tích cực của âm nhạc đến đời sống tinh thần nói chung của tất cả mọi người. Đó là lí do mà âm nhạc vẫn tồn tại và càng ngày càng phát triển". (Phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung) |
Phạm Huy – Diệu Linh