Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình

Đến bố mẹ ruột của cô cũng không nhận ra con mình. Họ tưởng tượng một linh hồn khác đã nhập vào thân xác của cô ấy.
18/12/2022 09:08
Thanh Long - Tom

Đến bố mẹ ruột của cô cũng không nhận ra con mình. Họ tưởng tượng một linh hồn khác đã nhập vào thân xác của cô ấy.

Trống rỗng, hoài niệm và hụt hẫng, đó là những cảm xúc thường thấy bên trong một gia đình vừa có người thân mới qua đời. Sau tang lễ, sự buồn bã vẫn tiếp tục bao trùm lấy bầu không khí khiến người ta thường phải tìm mọi cách để làm dịu nó xuống.

Những linh hồn ở lại cũng cần được vỗ về và an ủi.

Đối với Sophie Papp, một cô gái 19 tuổi sống ở British Columbia, Canada, sự vỗ về ấy đến trong một nghĩ lễ truyền thống mà cô được gia đình mình truyền lại. Bất cứ khi nào trong nhà có người mất, Sophie và các anh chị em họ của mình sẽ lái xe tới Koksilah, một con sông đầy thơ mộng ở phía nam đảo Vancouver.

Ở đó, những đứa trẻ trong nhà sẽ dành cả ngày để bơi dưới làn nước xanh màu ngọc bích. Chúng thả mình trôi theo dòng sông lười và ngắm nhìn những cây arbutus bản địa có vỏ màu đỏ dọc theo hai bên bờ.

Trong lúc những ký ức về người đã khuất trở lại, mọi cảm xúc tiếc thương của Sophie và những đứa trẻ nhà Papp cuối cùng sẽ được làn nước đang bao bọc lấy cơ thể chúng giải tỏa, nỗi buồn như trôi ra để bọn trẻ cảm thấy một sự yên bình và thanh thản.

***

Đó là ngày 1 tháng 9 năm 2014. Và nghi thức này sắp được thực hiện cho người bà vừa mới qua đời của Sophie. Cô đang cùng em trai, em họ Emily và một người bạn thân lái xe tới sông Koksilah.

Trên đường đi, cả nhóm ghé vào một trạm dừng để mua cà phê và đồ ăn sáng. Sophie không biết đây sẽ là những ký ức cuối cùng mà cô nhớ được về ngày hôm đó. Khoảng 45 phút sau khi họ rời trạm dừng, Emily là người cầm lái chiếc Volkswagen Golf không may làm đổ cốc cà phê xuống sàn.

Sự chú ý của cô ấy trượt ra bên ngoài con đường cao tốc. Chiếc Volkswagen Golf trở nên mất kiểm soát. Nó lao liên tục qua nhiều làn đường ở cả hai chiều, trước khi tông vào một vách núi đối diện.

Trong số 4 người có mặt trên xe hôm đó, Sophie là người bị thương nặng nhất. Cô rơi vào trạng thái hôn mê. Các bác sĩ tiếp cận hiện trường đã chấm cho cô ấy 6 điểm trên thang đo Glasgow, một bảng đánh giá tình trạng mất ý thức bao gồm các đặc điểm như không thể chủ động mở mắt, không đáp ứng với tiếng gọi, không phản ứng khi bị cấu véo…

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 1.

Điểm càng thấp, dưới 8, được cho là tình trạng hôn mê nặng. Và Sophie đã ở trong cơn hôn mê đó suốt 1 tuần kể từ khi được đưa vào trung tâm chấn thương của Bệnh viện Đa khoa Victoria. Sang đến tuần thứ hai cô đã dần tỉnh lại. Nhưng những điều kỳ lạ bây giờ mới thực sự bắt đầu.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 2.

Ngay sau khi Sophie lấy lại được khả năng nói, cô đã bắt chuyện với tất cả mọi người trong bệnh viện. "Con bé nói không ngừng, về đủ thứ chuyện trên đời", Jane, mẹ của Sophie nhớ lại.

Cô hỏi những y tá chăm sóc mình họ bao nhiêu tuổi, đã có con chưa, bệnh nhân mà họ nhớ nhất trong đời mình là ai? Rồi hỏi bác sĩ chụp X-quang về ảnh MRI mà cô đã chụp mấy ngày trước đó.

Không chỉ có những câu chuyện và thắc mắc về đời tư, Sophie đã hỏi vị bác sĩ X-quang những câu hỏi chuyên môn đại loại như: "Cháu có bất kỳ tổn thương nào trong tiểu não không? Chú đã chụp fMRI cho cháu chưa nhỉ? Còn vùng đồi thị, fornix và pons của cháu thì sao? Chúng có bị ảnh hưởng gì không?".

Vị bác sĩ nhíu đôi mày lại, liếc qua Jane chốc lát trước khi quay lại hỏi Sophie: "Làm sao cháu biết được tất cả những điều này?". Hóa ra trước buổi chụp X-quang, Sophie đã mượn từ thư viện một loạt sách về thần kinh học. Rồi cô dành ra cả đêm thức trắng để đọc chúng và nghiên cứu.

"Từ trước đến nay, Sophie vốn là con bé hướng nội và thận trọng", mẹ cô nói. Những ngày ở bệnh viện sau tai nạn dường như là khoảng thời gian Jane không còn nhận ra chính con gái mình.

Bà bắt đầu thấy tính cách của Sophie thay đổi 180 độ. Một lần, khi có y tá đi qua khu hành lang và đánh dấu các phòng bệnh bằng băng dính màu, Sophie đã lẻn ra ngoài và bóc tất cả băng dính ở đó ra.

Một đêm, khi hầu hết các bệnh nhân khác đã đi ngủ, cô ấy lặng lẽ ra bảng xếp lịch mổ và đổi hết ngày tháng trên đó về ngày 24/12. Lúc mà Sophie gặp một bác sĩ có vẻ ngoài điển trai, cô ngay lập tức đã mở lời hẹn anh ấy đi chơi.

"Con bé thực sự trở nên hướng ngoại. Và đó không phải là Sophie mà chúng tôi từng biết", Jane nói.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 3.

Bà đem thắc mắc này nói với các bác sĩ, những người đã giải thích rằng chấn thương sọ não của Sophie đã ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát ức chế trong não bộ. Kết quả là từ một người hướng nội, dè dặt và thận trọng, cô gái 19 tuổi bỗng trở nên hoạt bát, nói năng phóng khoáng và thể hiện một tính cách hướng ngoại đến táo bạo.

Sự trầm tính, điềm tĩnh và cả nể vốn có trong tính hướng nội của Sophie cũng biến mất. Thay vào đó, cô trở nên dễ xúc động và nóng nảy, không ngại thể hiện cảm xúc của mình với người khác thậm chí sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ.

Tất nhiên, Sophie sẽ luôn là Sophie Papp, con gái của Jane và Jamie, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1994. Nhưng đôi khi, Jane và Jamie cảm thấy con mình như bị hoán đổi thành một người khác. Sophie thật có vẻ như đã chết, và một Sophie khác đã được sinh ra ngay dưới làn da ấy.

"Cảm giác giống như chúng tôi đã mất đi đứa con vốn có của mình, nhưng thân xác của con bé thì vẫn còn sống. Chúng tôi muốn biết bây giờ trong thân xác đó thực sự là người nào?", Jane nói.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 4.

Ngày 1 tháng 10 năm đó, đúng một tháng sau tai nạn, Sophie được phép xuất viện. Cô trở về căn nhà hai tầng của bố mẹ mình ở Victoria, Canada. Thế nhưng, sự yên bình và ổn định vốn có ở đó lại là thứ khiến Sophie cảm thấy không thể bắt nhịp được trở lại.

Cô cảm thấy mọi thứ xung mình đều trở nên kỳ lạ và hỗn loạn. "Kiểu như từng chi tiết nhỏ nhất, từng âm thanh, hình ảnh, từng cảm giác đều đang bắn phá não bộ tôi mọi lúc", Sophie nói. Có vẻ như chấn thương đã khiến phần não chịu trách nhiệm lọc bỏ kích thích nhiễu trong đầu cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bị đẩy vào mớ hỗn loạn, Sophie không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với bản thân mình. Trong lúc tuyệt vọng nhất, cô đã quyết tâm phải tự mình tìm ra mọi chuyện. Và thế là Sophie lên mạng, cô đọc mọi thứ mình tìm được về chấn thương sọ não, từ các bài báo, trang web, chia sẻ của những bệnh nhân sống sót cho tới các số liệu thống kê, tài liệu nghiên cứu khoa học.

Đó là lúc cô phát hiện ra rằng chấn thương sọ não thường khiến người ta bị suy giảm vĩnh viễn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Một số lượng đáng kể bệnh nhân cảm thấy 5 năm sau tai nạn là những năm tồi tệ nhất với mình. Một số nữa thậm chí còn mất khả năng lao động.

Sau tai nạn, một số triệu chứng sức khỏe vẫn còn đeo đẳng họ, chẳng hạn như những cơn co giật kịch phát, nhiễm trùng hoặc suy yếu miễn dịch khiến họ dễ mắc bệnh hơn những người khỏe mạnh khác.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 5.

Nghiên cứu tập trung vào tiên lượng dài hạn thậm chí còn kém khả quan hơn. Trong lúc tựa vào một chiếc gối trong phòng ngủ, Sophie tìm thấy một số bài báo trên tạp chí học thuật thống kê tuổi thọ của những bệnh nhân chấn thương sọ não sẽ bị rút ngắn lại.

Tệ hơn nữa, ngay cả IQ của bệnh nhân của bị suy giảm. Tình trạng trí tuệ sa sút được tiên đoán là không thể đảo ngược trong suốt phần đời còn lại. Đối với một người luôn tự hào về trí thông minh của mình như Sophie, đó hẳn là điều đau đớn nhất mà cô ấy tìm thấy được.

Nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể học đại học, Sophie dày vò bản thân mình và cơn trầm cảm đã khiến cô gái 19 tuổi chạm xuống đáy vực.

Nhiều tuần sau đó, Sophie tiếp tục cảm thấy cuộc sống của mình như bị lún vào một đầm lầy không thoát ra được. Từ một người hướng ngoại trong bệnh viện, cô gái bỗng dưng mất hết sự tự tin. Những suy nghĩ đè nặng lên tinh thần của cô ấy và giam Sophie vào một mê cung không có lối thoát.

Nhưng rồi một ngày, tính cách mạnh mẽ của một con người hướng ngoại bỗng vùng lên. Sophie nghĩ con đường duy nhất mà cô có thể hướng tới là từ chối tin vào các thống kê của khoa học.

"Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi khi đó là nghĩ mình sẽ không còn có thể làm gì trong đời được nữa", Sophie nói. "Tôi thực sự muốn chứng minh với bản thân rằng tôi có thể".

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 6.

Hai năm, đó là khoảng thời gian mà các bác sĩ khuyên cô gái 19 tuổi nên chờ đợi để chấn thương bình phục hẳn trước khi có ý định vào đại học. Họ cảnh báo nếu Sophie đi học sớm hơn, đầu óc cô có thể sẽ bị việc học làm cho quá tải. Tinh thần và thể chất cô sau đó sẽ càng suy sụp.

Nhưng Sophie thấy những khuyến nghị này không thể chấp nhận được. Chỉ 2 tháng sau khi xuất viện, cô gái không kể với ai mà đăng ký ngay 2 khóa học nhập môn về hóa học và tâm lý học. Tại Mỹ, học sinh trung học có thể tiếp cận những khóa học mở như thế này ở trường cao đẳng địa phương mà không phải thi cử.

Các khóa học của Sophie sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm sau, chưa đầy 4 tháng kể từ ngày cô gái gặp phải tai nạn định mệnh. Nhưng chừng đó là đủ thời gian để cho Sophie đánh bại con số thống kê trong các nghiên cứu về người sống sót sau chấn thương sọ não.

Trí tuệ của cô gái không hề bị suy giảm. Ngược lại, Sophie tìm thấy việc nghe giảng, làm bài tập về nhà và thi cử có thể làm dịu tâm trí hỗn loạn của cô xuống. Các lớp học đã thành công ngoài mong đợi mang về cho Sophie 2 điểm A.

Thừa thắng xông lên, cô tiếp tục đăng ký 2 khóa học mùa hè nữa tại Đại học Victoria. Sophie nhớ đó là lần đầu cô bước vào một giảng đường đại học thực sự, nơi có những chiếc bàn dài màu be hình cánh cung bao lấy một sân khấu hình bán nguyệt. Trên đó, một nữ giáo sư vào tiết học tâm lý đã nói về việc hành vi của con người có thể thay đổi sau một chấn thương ảnh hưởng tới thùy trán.

Lặng lẽ ghi lại sự trùng hợp với bản thân mình, Sophie lắng nghe khi giáo sư giải thích cơ chế mà điều đó diễn ra trong não bộ. Để minh họa cho bài giảng của mình, nữ giáo sư đã nói đùa rằng chỉ có những người bị tổn thương vùng thùy trán mới cảm thấy buồn cười trước câu chuyện cười tẻ nhạt này:

"Một chiếc đồng hồ không chống nước nhưng bị nhúng xuống nước".

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 7.

Rõ ràng, chẳng có gì buồn cười ở đây cả. Toàn bộ giảng đường bị bao trùm bởi sự tĩnh lặng. Cho đến khi họ thấy Sophie, một cô gái 20 tuổi bật lên những tràng cười lớn không thể kiểm soát nổi.

Ban đầu, Sophie chỉ cười cách mà nữ giáo sư thiết kế bài giảng và đưa câu chuyện này vào. Sự thật là những người có tổn thương ở vùng thùy trán thỉnh thoảng cũng báo cáo một hiện tượng được gọi là Witzelsucht - trong tiếng Đức có nghĩa là "nghiện đùa".

Họ thấy những câu nói nhạt nhẽo, không đầu không cuối, những kiểu chơi chữ tầm thường cũng có gì đó buồn cười. Ngược lại, có thể những câu nói đùa chất lượng khác sẽ không tạo được ra sự hài hước.

Tuy nhiên, điều thực sự khiến Sophie cười nhiều hơn là sự siêu thực đến khó chịu của tình huống mà cô được đặt vào. "Có hàng trăm sinh viên khác trong giảng đường đang cảm thấy khó xử, khi có một sinh viên cười bán sống bán chết vì một câu chuyện đùa không hài hước một chút nào", Sophie nói.

Để dừng tràng cười hôm đó của mình lại, cô đã phải chạy ra khỏi lớp và tìm cách tự kìm chế bản thân. Trong lúc lướt qua vô số hàng ghế mà những sinh viên khác đang ngồi, Sophie thấy sự nghiêm túc và cứng nhắc trên khuôn mặt họ thể hiện ra trước sự phơi bày đến kỳ quái của bản thân mình.

Bằng cách giả định rằng trong lớp không có một sinh viên nào bị chấn thương sọ não, vị nữ giáo sư đã chứng minh được sự tồn tại một cách đầy nghịch lý của Sophie, và cả sự khác biệt về mặt thần kinh của cô ấy với phần còn lại của lớp học.

Đối với bản thân Sophie, nếu cô tự thuyết phục rằng chấn thương sọ não không làm ảnh hưởng đến việc học đại học như cô từng nghĩ, thì lớp học tâm lý ngày hôm đó hẳn là một minh họa không thể chối cãi cho điều ngược lại.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 8.

Học kỳ hè năm đó tiếp tục kết thúc với 2 điểm A cho cả hai lớp học. Đến mùa thu năm sau, Sophie trúng tuyển vào Đại học Victoria với tư cách là sinh viên chính thức của chuyên ngành khoa học tổng hợp. Lúc này, khối lượng bài vở mới bắt đầu khiến cô bị choáng ngợp.

Chỉ trong vòng vài ngày đầu của học kỳ thứ nhất, Sophie đã thấy tâm trí mình quay cuồng, mất kiểm soát. Sự lo lắng của cô tăng vọt, trong khi, những suy nghĩ của cô trở nên luẩn quẩn không có lối thoát.

Sophie thường xuyên thức trắng đêm chỉ để xem đi xem lại các bài giảng và bài tập giống nhau, lặp lại những suy nghĩ và nhiệm vụ y hệt. Dần dần, trong đầu cô hình thành lên một cảm giác về chủ nghĩa hoàn hảo, thứ dẫn tới chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Có những nghiên cứu về chấn thương sọ não trước đó phát hiện một số mạch thần kinh bị tổn thương sẽ gẫn tới chứng OCD, ngay cả những mạch ở vùng vỏ não phía trước. Đối với Sophie, chứng sợ hãi và khao khát hoàn hảo mạnh tới mức chân tay cô thường xuyên bị tê, dáng đi của cô cứng đờ như một người mặc áo khoác bó còn môi cô thì tái nhợt rồi chuyển sang màu xanh sáp.

"Con bé có lẽ đã kiệt sức", Jane nói. "Nó không còn biểu cảm gì trên khuôn mặt và hầu như không trò chuyện. Chúng tôi biết con bé cảm thấy thực sự không khỏe. Nó xanh xao và trông hốc hác hẳn đi".

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 9.

Vào một buổi tối, khi cùng gia đình quây quần ăn tối, Sophie đã cố gắng thổ lộ ra tâm lý bất an sâu thẳm mà cô đang cảm thấy. Sự lo lắng của cô bây giờ đã trở nên nghiêm trọng đến mức, cô cảm nhận được một người khác đang trải qua nó.

Điều này có nghĩa là gì? Sophie nói đó là cảm giác cô quan sát thấy chính mình ở góc nhìn thứ ba, tự đứng ra được bên ngoài bản thân mình để thấy những nhận thức của mình như từ một người khác.

Và còn một điều đáng sợ hơn, một ý nghĩ gần như điên rồ nhưng Sophie dạo này luôn lờ mờ cảm thấy. Đôi lúc, cô tin rằng chính bản thân mình vẫn còn đang hôn mê và nằm "ở đâu đó bên dưới tầng hầm của bệnh viện". Tất cả cuộc sống hiện tại của cô hóa ra chỉ là tưởng tượng. Chúng đang diễn ra trong vô thức nhưng giống thực tại đến nỗi không thể phân biệt được.

Khi Sophie nói ra hết những suy nghĩ của mình, gia đình cô phải dừng lại một lúc để hiểu tất cả những gì cô ấy muốn truyền đạt lại với họ. Đôi mắt của họ nặng trĩu như muốn kiếm một điểm tựa. 

Cha mẹ của Sophie, cả hai đều là bác sĩ, nhận ra con gái đang mô tả một giai đoạn phi nhân cách hóa (depersonalization)— còn gọi là vô định (derealization) – một triệu chứng tâm thần nghiêm trọng, trong đó một người trở nên tách rời khỏi thực tế của chính họ và bắt đầu nghi ngờ liệu thế giới xung quanh họ có thật hay không.

Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy những người bị chấn thương sọ não có nguy cơ cao gặp phải hiện tượng này. Và thế là Sophie bắt đầu phải gặp bác sĩ tâm thần, người đã gợi ý cô nên thử dùng SSRI liều thấp, một loại thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn cho những người bị chấn thương sọ não.

May mắn, SSRI đã có tác dụng. Chỉ trong vòng một tuần, Sophie đã có thể ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi đêm, và sự lo lắng của cô giảm dần.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 10.

Nhưng cuộc đấu tranh của cô sinh viên đại học năm nhất vẫn tiếp tục. Sophie đã quyết tâm đến cùng để bác bỏ giả thuyết cho rằng chấn thương sọ não sẽ làm giảm trí thông minh của cô ấy. Kết quả là tất cả các môn trong học kỳ đó cô đều đạt điểm A.

Sophie nghĩ thành công trong các lớp học đại học của cô sẽ là bằng chứng cho thấy khả năng nhận thức của cô không hề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chấn thương não, hoặc cô ấy đã tìm ra cách để đảo ngược sự ảnh hưởng của nó.

Chỉ có điều, bằng cách đóng khung bản thân mình theo cách này, sự hồi phục, sức khỏe và cảm giác về giá trị bản thân của Sophie đều phụ thuộc vào cách cô ấy xoay sở trong các tiết học ở trường.

Đến tháng 5 năm 2016, sau năm đầu tiên đầy biến động ở Đại học Victoria, Sophie chuyển sang Đại học McGill ở Montreal để đảm nhiệm một vị trí nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khoa học thần kinh.

Khối lượng công việc của cô ở trường mới không nhiều. Sophie thực sự đã khép lại 2 năm đầu tiên trong sự phục hồi tốt sau tai nạn. Cô đã lấy lại được hầu hết khả năng thể chất của mình.

Sophie đã có thể đi bộ đường dài, đạp xe và thậm chí dành thời gian tại các phòng tập thể dục leo núi. Có lẽ, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để cô thử cai thuốc SSRI.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 11.

Trong vòng vài ngày kể từ khi ngừng thuốc, Sophie quan sát thấy mình thường thức dậy lúc 5 giờ sáng và không thể ngủ lại được. Sự lo lắng của cô cũng tăng lên và cô bắt đầu bị ngứa da - một tình trạng gọi là rối loạn bài tiết thường thấy ở những người bị OCD.

Cứ vài phút cô ấy lại vào phòng vệ sinh để đi tiểu. Rồi Sophie cảm thấy mình có nhu cầu soi sát mặt vào gương chỉ để cọ sạch từng lỗ chân lông nhỏ trên khuôn mặt mình, ở độ chính xác cao như một vị bác sĩ phẫu thuật.

Cảm giác vô định và phi nhân cách hóa bản thân cũng trở lại. Khi trò chuyện với bất kỳ người nào mới gặp lần đầu tiên, Sophie thường bị đánh gục bởi nỗi sợ hãi rằng họ chỉ là những ảo giác hiện ra từ trong trí tưởng tượng của cô. Sophie không còn tin tưởng vào tâm trí của chính mình nữa.

Hầu hết các triệu chứng này không diễn ra một cách bất ngờ. Nhưng khi lượng serotonin dư thừa trôi nổi tự do trong não của cô ấy bị loại bỏ hoàn toàn, Sophie đã trải qua một hiệu ứng mà cô ấy không ngờ tới:

Cô thấy mình trở nên tò mò hơn bao giờ hết. Suy nghĩ của cô trôi dạt tự nhiên đến một câu hỏi quan trọng về mối quan hệ giữa chấn thương sọ não mà cô gặp phải với nhận thức của cô về bản thân. Sophie tự hỏi đâu là ranh giới giữa cô của ngày trước và cô của hiện tại?

Ở thời điểm 6 tuần sau khi ngừng thuốc trầm cảm, Sophie viết: "Tôi nghĩ rằng tai nạn xe hơi và chấn thương sau đó đã khiến tôi tự định nghĩa mình là một bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Cùng với cái nhãn mà tôi tự gán cho mình là những ràng buộc, nỗi sợ hãi về những điều chưa biết, khả năng tôi sẽ trở nên kém cỏi hơn so với chính mình trước đây".

Và thế là trong hai tháng đầu tiên ở Montreal, Sophie đã quyết định không nói với bất kỳ ai rằng cô từng bị chấn thương não. Cô ngầm hi vọng rằng nếu cô đối diện với những người khác như một người "bình thường", điều đó có thể là bằng chứng cho thấy bản thân cô đã hồi phục một cách hoàn hảo.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 12.

Hai tháng sau đó, Sophie mới bắt đầu nói với một số người bạn mới về tình trạng của mình. Và họ đã ngạc nhiên, nhưng dường như sự thật đó không làm ảnh hướng tới cách mà họ nhìn cô ấy. "Họ nói," Ồ, ồ, đó là một câu chuyện thú vị", nhưng họ không nhận ra tác động tích cực của nhận xét đó với tâm lý của tôi", Sophie nói.

Tất nhiên, cô đã rất hài lòng khi biết thí nghiệm của mình đã thành công. Mỗi khi có thêm một người không tin Sophie bị chấn thương sọ não là thêm một bằng chứng cho thấy cô đã hồi phục lại trạng thái khỏe mạnh. Sophie không còn có bất kỳ khác biệt nào so với một cô gái 21 tuổi bình thường khác.

Trong nhật ký của mình, cô đã phải vật lộn nhiều lần với khái niệm về danh tính. Đối với Sophie, con người không được định nghĩa bởi một loạt các hạng mục gọn gàng — mỗi hạng mục này nằm vuông vắn chồng lên nhau - mà là bởi một sự hỗn loạn lúc nào cũng phập phồng, náo động giống như bề mặt của một đại dương.

"Thủy triều luôn thay đổi, mang theo nước, vật chất mới và nó trùng khớp với chu kỳ của mặt trăng", Sophie viết trong nhật ký. "Vì vậy trong ngắn hạn, đại dương sẽ tương đối ổn định, mặc cho luôn có dòng chảy phía dưới. Nhưng trong suốt thời gian tồn tại, nó có thể sẽ thay đổi để tạo ra các dạng sống khác nhau".

Ở đây, Sophie cuối cùng cũng cảm thấy được một điều mà cô cho là bản chất của danh tính: Nó linh hoạt, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Danh tính ít phụ thuộc vào một bản thân bên trong, mà thay vào đó là vô số các lực tự nhiên bên ngoài đang co kéo xung quanh nó.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 13.

Nhưng vẫn còn có một khía cạnh không thể khám phá được về tổn thương của Sophie, một sự vô lý tồn tại trong cách mà cô ấy hôn mê bất tỉnh cả tuần trời, rồi sau đó tỉnh lại nhưng như biến thành một con người hoàn toàn khác.

Nó giống như một câu chuyện cổ tích, có lẽ là một cơn ác mộng đặc biệt sống động, hơn là một sự thật có thể xảy ra. Sophie cuối cùng phải tính đến những xúc cảm mạnh mẽ mà một sự kiện cực đoan như vậy có thể gây ra. Cách mà nó thách thức những tiên đề phổ quát về sự tồn tại của một danh tính nhất quán, hay một bản thân mang tính liên tục không bao giờ thay đổi.

Càng khám phá những khái niệm này, Sophie càng cảm thấy mình đang phơi bày bản chất phù du và sự gián đoạn của danh tính con người.

Cô nhận thấy người ta đôi khi có thể vẽ ra những câu chuyện hấp dẫn để tự khoác lên mình những sự thật rắc rối hơn. "Dựa trên mô hình tính cách của tôi, tôi chỉ là một mớ bòng bong của các khuynh hướng và nhận thức, phụ thuộc vào những gì tôi được nạp vào bên trong mình", Sophie viết.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 14.

Dần dần, Sophie bắt đầu thấy rằng "thực tại của cô bây giờ rất khác so với trước khi gặp phải chấn thương". Con người mà cô ấy đang cố gắng hết sức để tìm lại — tâm trí, khả năng, sức chịu đựng và sự đĩnh đạc của cô ấy — không hề bị che giấu bên dưới phần con người luôn thay đổi vì các triệu chứng của chấn thương sọ não hiện tại.

Vào thời điểm chuẩn bị trở về nhà ở Victoria, Sophie dần cảm thấy thoải mái hơn với định nghĩa mới về sự phục hồi của mình, đánh đổi sự bình thường lý tưởng cho một mô hình nơi những thay đổi vĩnh viễn tồn tại cùng với sự phát triển của bản thân cô.

Cô nhận ra rằng mình đang tìm cách hiện thực hóa một câu chuyện do chính mình bịa ra về sự hồi phục của mình. Con người có một bản năng, một phản ứng thích ứng có thể đã được rèn luyện từ rất lâu. Bản năng đó thúc đẩy chúng ta phải rút ra được những giá trị từ những trải nghiệm thử thách nhất mà chúng ta từng trải qua.

"Chúng ta thích tìm kiếm sự ý nghĩa", Sophie nói. "Chúng ta chỉ đang cố gắng tạo ra những ý nghĩa. Chúng ta cố gắng tạo ra một câu chuyện mà chúng ta có thể hiểu và nhập vai vào với nó. Câu chuyện đó có thể không phải là sự thật – nhưng chẳng sao cả. Mọi thứ chỉ là đang diễn ra tự nhiên như vậy thôi".

Khi có một thảm họa xảy ra và chia cắt cuộc sống của chúng ta ra làm đôi, trước và sau, chúng ta khao khát muốn kết nối hai phần của câu chuyện đó lại thành một mạch xuyên suốt mới. Đó là cách mà chúng ta khôi phục mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình.

Năm thứ hai của Sophie trong vai trò một sinh viên đại học đã lặp lại đúng những gì xảy ra trong năm nhất. Khi lớp học đầu tiên bắt đầu, sự lo lắng của cô ấy gần như ngay lập tức bùng lên.

Để đối phó với điều đó, Sophie chỉ biết tập trung vào việc học, với quyết tâm cao độ rằng cô sẽ không chỉ dừng lại ở tấm bằng cử nhân mà sẽ học thẳng lên tiến sĩ. Cô ấy đã cống hiến cả cơ thể, trí óc và từng giây phút tỉnh táo mà mình có cho mục tiêu ấy. Đến nỗi, nếu không phải chuyện học tập thì những khía cạnh khác trong đời sống cá nhân của cô ấy đều bị héo quắt như những vụ mùa bị bỏ quên.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 15.

Mãi đến mùa đông năm sau, mọi chuyện mới thay đổi khi Sophie bắt đầu mối quan hệ với một nam sinh khiếm thính tại trường đại học. Hai người đã gặp nhau tại Hiệp hội Sinh viên Khuyết tật, nơi Sophie làm liên lạc viên cộng đồng sau đó trở thành chủ tịch. Một năm hẹn hò, Sophie cảm thấy trải nghiệm về thế giới của cô bỗng dưng lại thay đổi.

Điều đó đến từ việc Sophie chứng kiến được hàng loạt trở ngại mà bạn trai phải đối mặt trong khuôn viên trường mỗi ngày — từ việc căng thẳng theo dõi các bài giảng mà một người khiếm thính không thể nghe thấy, cho đến giao tiếp với các giáo sư thông qua một số lượng phiên dịch viên hạn chế biết ngôn ngữ ký hiệu.

Thông qua bạn trai mình, Sophie sau đó đã có cơ hội tiếp xúc với cả cộng đồng người khiếm thính ở Victoria. Cô đã thấy những rào cản xã hội trên một quy mô lớn. Những người khiếm thính ở Victoria phải đối mặt với mức độ nghèo đói và mù chữ ngày càng lan rộng. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội, đến nỗi tỷ lệ phạm tội và bị giam giữ cao hẳn lên một cách không tương xứng.

Đột nhiên, Sophie cảm thấy cuộc sống bên ngoài rộng lớn hơn nhiều so với việc học tập để tìm lại bản thân mình. Những quan niệm vài năm trước của cô về trí thông minh và giá trị bản thân sau những trải nghiệm này đột nhiên tan vỡ.

Đến năm thứ tư tại Đại học Victoria, Sophie dần dành ít thời gian hơn cho việc học. Cô thấy mình ngày càng xa rời giảng đường và bắt đầu đặt câu hỏi về tham vọng trở thành một nhà nghiên cứu khoa học lâu nay của mình.

"Khi tôi suy nghĩ hoặc tưởng tượng việc mình muốn trở thành nhà nghiên cứu, có một phần trong tôi đang cố gắng sửa chữa bản thân mình, và một phần trong tôi hoàn toàn kinh hãi về những thay đổi mà bộ não của tôi phải trải qua", Sophie nói. "Tôi đang cố gắng tìm giải pháp vì tôi rất sợ nó".

Vào tháng 6 năm 2020, Sophie lấy bằng cử nhân khoa học về tâm lý sinh học. Mùa thu năm đó, cô nhận lời làm việc bán thời gian tại Hiệp hội Sinh viên Khuyết tật của trường đại học. Đó là năm Sophie mới 26 tuổi.

Tỉnh lại sau hôn mê, cô gái như biến thành người khác trong thân xác của chính mình - Ảnh 16.

Những thay đổi sâu rộng trong nhận thức đã trở thành điểm mấu chốt cho sự tái tạo của bản thân cô. Sophie cuối cùng đã hình dung ra được một bản thân khác của mình.

"Tôi đã bác bỏ quan niệm về sự tồn tại của một danh tính. Khi đó, tôi nhận ra rất nhiều ý nghĩa từ những thứ xung quanh mình. Từ những đàn chim bay về tổ, nấm mọc lên sau cơn mưa và những vệt khói cuộn tròn trong không trung", Sophie nói. Còn về bản thân cô, cô "chỉ là một nhân chứng, một nhân chứng cho mọi thứ tuyệt vời và cả mọi thứ kinh khủng đang diễn ra".

Cách mà Sophie nhìn nhận thế giới đã được tái cấu trúc lại, tạo ra một cái nhìn hứa hẹn sẽ tôn vinh tất cả những gì mà cô ấy từng trải, mà không phủ định con người vốn có của cô ấy trước đây, trước khi cô bước chân lên chiếc Volkswagen Golf vào buổi sáng tháng 9 đầy định mệnh năm 2014.

Tham khảo WiredMayoclinicNHSClevelandclinic

Tags:

Tin cùng chuyên mục

Cửu Dương Truyền Kỳ 2 "thả thính" landing page cực bén cùng loạt phúc lợi "chất phát ngất"...

Cửu Dương Truyền Kỳ 2 "thả thính" landing page cực bén cùng loạt phúc lợi "chất phát ngất"...

Tựa game nhập vai mới toanh Cửu Dương Truyền Kỳ 2 GOSU vừa khiến cộng đồng một phen hú hồn khi tung Landing page và mở đăng ký sớm cho phiên bản Alpha Test sắp tới. Cơ hội "săn" suất tham gia Alpha Test cùng hàng ngàn phần quà ngon "hết nước chấm" nay đã mở ra trước mắt game thủ.

Phổ Nghi chơi trốn tìm ở Dưỡng Tâm điện, không ngờ tìm thấy mật chiếu của hoàng đế Ung Chính: Đó là gì?

Phổ Nghi chơi trốn tìm ở Dưỡng Tâm điện, không ngờ tìm thấy mật chiếu của hoàng đế Ung Chính: Đó là gì?

Phổ Nghi và em trai ông không ngờ trong một lần đi chơi trốn tìm ở Dưỡng Tâm điện lại tìm thấy mật chiếu của hoàng đế Ung Chính. Rốt cục trong đó viết gì?

Dispatch vào cuộc: Song Ji Hyo bị nợ lương 15 tỷ vẫn giúp nhân viên, CEO sống sang chảnh và lừa dối nhà đầu tư

Dispatch vào cuộc: Song Ji Hyo bị nợ lương 15 tỷ vẫn giúp nhân viên, CEO sống sang chảnh và lừa dối nhà đầu tư

Dispatch đã vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc Song Ji Hyo, Ji Suk Jin và các nhân viên công ty Uzurocks bị nợ lương.

Lưu Hương Giang sau gần 1 năm đối mặt với ồn ào của Hồ Hoài Anh: Nhan sắc thăng hạng, thái độ khi nhắc đến chồng gây chú ý

Lưu Hương Giang sau gần 1 năm đối mặt với ồn ào của Hồ Hoài Anh: Nhan sắc thăng hạng, thái độ khi nhắc đến chồng gây chú ý

Lưu Hương Giang ngày càng thăng hạng về nhan sắc và thái độ sau "sóng gió" khiến nhiều người nể phục.

Nhờ mẹ canh đồ khi đi cà phê một mình nhưng cốc nước mới là thứ quan trọng nhất, dân tình gật gù khi biết sự thật đằng sau

Nhờ mẹ canh đồ khi đi cà phê một mình nhưng cốc nước mới là thứ quan trọng nhất, dân tình gật gù khi biết sự thật đằng sau

Nếu thường xuyên đi cà phê, ăn uống một mình thì có lẽ đây là một trong những kiến thức quan trọng để bạn bảo vệ bản thân mình.

Người giàu thích đặt 5 loài cây này trước cửa, để phú quý không ngừng chảy vào nhà

Người giàu thích đặt 5 loài cây này trước cửa, để phú quý không ngừng chảy vào nhà

Không chỉ mang đến "mảng xanh" cho căn nhà, 5 loài cây cảnh này còn được hội nhà giàu đặc biệt ưa chuộng vì chúng sở hữu nhiều ý nghĩa phong thủy tốt lành, rất phù hợp để trưng trước cửa nhà.

Tại sao nhiều người học vấn cao, bằng cấp tốt vẫn phải sống vất vả: Chưa xác định điều này thì còn khó thoát nghèo

Tại sao nhiều người học vấn cao, bằng cấp tốt vẫn phải sống vất vả: Chưa xác định điều này thì còn khó thoát nghèo

Nhiều người đầu tư vô số thời gian và tiền bạc để sở hữu một tấm bằng tốt. Nhưng trong thời đại hiện nay, đó đã không còn là “nấc thang một bước lên trời”. Thay vào đó, ý thức được điều này mới giúp họ thoát nghèo dễ dàng hơn.

"Hồ ma" xuất hiện ở Mỹ: Chuyên gia cảnh báo chỉ còn lại thời gian rất ngắn để ngăn chặn thảm họa

"Hồ ma" xuất hiện ở Mỹ: Chuyên gia cảnh báo chỉ còn lại thời gian rất ngắn để ngăn chặn thảm họa

Các hình ảnh vệ tinh được chụp trong vài tuần qua cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của Hồ Tulare ở California, Mỹ.

Tin mới nhất

Tổng thu du lịch ở Phú Quốc năm 2024 đạt trên 21.170 tỷ đồng

Tổng thu du lịch ở Phú Quốc năm 2024 đạt trên 21.170 tỷ đồng

UBND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thông tin, năm 2024, thành phố đón hơn 5,9 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 7,1% so với năm 2023.

Sức hút du lịch Việt qua hệ sinh thái số

Sức hút du lịch Việt qua hệ sinh thái số

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN. Với hơn 78 triệu người dùng internet và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội đạt 73,3% dân số, Việt Nam sở hữu môi trường lý tưởng để thúc đẩy hệ sinh thái số và công nghệ du lịch phát triển mạnh mẽ.

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney, chính thức đón đoàn khách nước ngoài đầu tiên vào lúc 16:30 ngày 18/12/2024 tại ga Sài Gòn.

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Chào mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2025, các đơn vị du lịch, lưu trú, điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động, chương trình độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.