Vụ giúp Nhật Cường trúng thầu: Đề nghị triệu tập nguyên Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo khác trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu.
Hội đồng xét xử gồm ba người: một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Vũ Mạnh Long và Nguyễn Thanh Lâm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia kiểm sát xét xử sơ thẩm và thực hiện quyền công tố tại phiên tòa.
Bảy bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội), Nguyễn Văn Tứ (sinh năm 1965, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (sinh năm 1971, nguyên Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Phạm Thị Thu Hường (sinh năm 1974, nguyên Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Lê Duy Tuấn (sinh năm 1978, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Kinh), Võ Việt Hùng (sinh năm 1976, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Kinh), Nguyễn Tiến Học (sinh năm 1958, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội).
Sáu bị cáo: Nguyễn Văn Tứ, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Lê Duy Tuấn, Võ Việt Hùng, Nguyễn Tiến Học bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực. Do Điều 281, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định có lợi hơn so với Điều 356, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên căn cứ Điều 7 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 281, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tổng số có 15 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 7 bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư bào chữa.
Tại phiên tòa, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội có mặt với tư cách là nguyên đơn dân sự. Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đông Kinh đến phiên tòa với tư cách là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, phiên tòa còn có mặt đại diện các cơ quan, đơn vị: UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố Hà Nội, những người giám định, người làm chứng…
Mặc dù có giấy triệu tập, nhưng đại diện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) vắng mặt tại phiên tòa. Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung) có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử cũng triệu tập bà Phan Lan Tú (nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội) với tư cách là người làm chứng, tuy nhiên bà Tú đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Vụ giúp Nhật Cường trúng thầu: Bị cáo Nguyễn Đức Chung giới thiệu Nhật Cường là đối tác tin cậy, mật thiết
- Ngày 27/12, xét xử cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ Nhật Cường
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập bà Phan Lan Tú đến phiên tòa.
Theo luật sư Thiệp, bà Tú đã có nhiều ý kiến tại các văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, những ý kiến này không thống nhất về cơ sở dữ liệu dùng chung dẫn đến kết luận đến nay thành phố chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ ông là bị cáo Nguyễn Đức Chung. Luật sư Thiệp cho rằng cần làm rõ những bất cập này tại phiên tòa, do vậy sự có mặt của bà Phan Lan Tú là cần thiết.
Luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) đề nghị Hội đồng xét xử cho phép luật sư cung cấp Ipad (do gia đình bị cáo Chung cung cấp) trong đó có email của bị cáo Chung chứa các nội dung liên quan đến hành vi của bị cáo Chung, nhằm làm rõ bản chất sự thật khách quan của vụ án.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã chấp thuận đề nghị của luật sư Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Huy Thiệp. Do thời gian xét xử kéo dài, nếu thấy cần thiết, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập người làm chứng Phan Lan Tú vào những ngày xét xử tiếp theo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2016, 2017, tương ứng với hai hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh.
Trong quá trình tổ chức, thực hiện hai gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Cụ thể, các bị cáo đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của Luật Đấu thầu; đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), đồng thời đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu; lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định nhằm tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia, trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016…
Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Hành vi của Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung (với vai trò là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện trái pháp luật gói thầu số hóa năm 2016, nhằm tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
Kim Anh/TTXVN