Thực hành nghi lễ rước nước, tế cá tại lễ hội đền Trần
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Quần thể di tích đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã diễn ra nghi lễ rước nước, tế cá. Đây là nghi lễ truyền thống đã có từ hàng thế kỷ qua, được tổ chức thành một nội dung chính trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ lễ hội đền Trần.
- Lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2017 sẽ kéo dài 5 ngày
- Lịch trình lễ dâng hương, rước kiệu và khai ấn đền Trần năm 2017
- Chùm ảnh du lịch: Biển người chen nhau xin ấn ở đền Trần
Đoàn múa rồng trong lễ rước nước, tế cá. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
Rước nước, tế cá là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa song trước đây đã bị mai một nhiều năm, lần đầu được phục dựng tại lễ hội đền Trần năm 2014. Việc nghiên cứu, phục dựng dựa trên ghi chép của các thư tịch cổ và qua ý kiến đóng góp của các cụ bô lão, những người cao tuổi về những nghi lễ có trong các lễ hội Khai ấn đền Trần trước đây.
Đoàn rước nước, tế cá. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
Bắt đầu từ 7 giờ, các nghi thức như khấn, đọc sớ, thỉnh chân nhang được các bậc cao niên thực hiện tại đền Cố Trạch, sau đó đoàn tổ chức rước kiệu từ đây ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước. Đoàn rước nước gồm hơn 200 người với cờ, biểu đi trước, đội rước rồng, lân, chiêng trống, đội bát âm, kiệu rước nước, kiệu rước cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ của nghề đánh cá truyền thống như vó, giậm, nơm…; kiệu thánh với tàn lọng hai bên, đội tế nam quan, đội tế nữ quan…
Nghi thức tế lễ trong lễ rước nước, tế cá. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
Sau khi lấy nước, đoàn tổ chức đánh cá tại hồ bán nguyệt cạnh Giếng cổ, cá đánh bắt gồm 5 cá triều đẩu (cá quả) và 5 cá long ngư (cá chép) có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con. Cá sau khi đánh bắt được đem lên bờ đựng trong các thúng sơn đỏ để chuyển đến thả vào thuyền đặt trên kiệu rồng.
Từ 8 giờ 30 phút, đoàn bắt đầu rước nước và cá về đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Cuối cùng, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc).
Đưa cá vào kiệu rồng chuẩn bị tế lễ. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
Ngoài cá chép và cá quả, đoàn rước nước, tế cá còn phóng sinh nhiều loại cá nhỏ, cá giống khác nhau, thể hiện mong muốn cá sẽ phát triển, sinh sôi nảy nở, mang đến những mùa đánh bắt bội thu cho cư dân vùng sông nước.
Sau nghi lễ rước nước, tế cá, từ 12-16 tháng Giêng, tại Quần thể di tích đền Trần còn diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống khác như: Múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...
TTXVN/Hiền Hạnh