loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 14/11 đến 16 giờ ngày 15/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.616 ca mắc mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố; có 3.950 ca trong cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 14/11 đến 16 giờ ngày 15/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.616 ca mắc mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước tăng 440 ca so với ngày trước đó tại 57 tỉnh, thành phố; có 3.950 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (116 ca), Khánh Hòa (98 ca), Thái Bình (42 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (247 ca), Tiền Giang (226 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (180 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.341 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.035.138 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 người đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (448.593 ca), Bình Dương (244.113 ca), Đồng Nai (78.631 ca), Long An (36.672 ca), Tiền Giang (21.280 ca).
Trong ngày, 1.205 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi ở nước ta lên 864.516 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca.
Trong ngày, 101 ca tử vong được ghi nhận, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (45 ca), An Giang (10 ca), Bình Dương (9 ca), Long An (7 ca), Tiền Giang, Kiên Giang (mỗi địa phương 6 ca), Đồng Nai (3 ca), Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cần Thơ, Bạc Liêu, Ninh Thuận (mỗi địa phương 2 ca), Đắk Lắk (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm 2,2% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày, ngành Y tế đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về kế hoạch phân bổ vaccine phòng COVID-19 tháng 11/2021.
Số ca mắc tăng nhanh ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
Tại cuộc họp báo ngày 15/11, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Kết quả đánh giá cấp độ dịch của toàn Thành phố trong 1 tuần qua đang ở cấp độ 2; ở cấp quận, huyện, 10 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 3 so với trước đó), 11 địa phương cấp độ 2 (tăng 4 địa phương so với trước đó), riêng huyện Cần Giờ đang ở cấp độ 3.
Như vậy, cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng hơn trước đó, tập trung ở một số khu vực như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Quận 12, thành phố Thủ Đức. Trung bình mỗi ngày có trên 1.100 -1.300 ca nhập viện, trong khi đó số ca được xuất viện chỉ ở mức 700-800 ca/ngày.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ngành Y tế Thành phố đã chuẩn bị trước một bước, củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, nhất là các khu vực có số F0 tăng cao. Theo đó, Sở Y tế đề nghị thành lập 8 bệnh viện dã chiến cấp quận/huyện (tương đương với tầng điều trị thứ 2) với quy mô mỗi bệnh viện khoảng 300 giường. Các bệnh viện này sẽ thay thế cho các bệnh viện dã chiến cấp thành phố đã đóng cửa trước đó để thu dung, điều trị các F0 có triệu chứng.
Sở Y tế tổ chức lại các trạm y tế lưu động ở cấp phường, xã tại khu vực có số F0 tăng cao. Hiện nay, các trạm y tế lưu động có sự hỗ trợ lực lượng từ Trung ương và các địa phương khác đã rút bớt theo lộ trình, tuy nhiên, vừa qua khi số ca F0 tăng lên, Sở Y tế đã tổ chức tăng cường 70 trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp. Tùy theo diễn biến dịch, ngành Y tế Thành phố sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của Thành phố, theo cơ cấu mỗi trạm 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội tối 15/11 cho biết trong 24 giờ qua thành phố đã phát hiện thêm 289 ca COVID-19 mới. Trong số này có 47 ca cộng đồng, 178 ca trong khu cách ly, 64 ca khu phong tỏa. Đây là ngày số ca COVID-19 ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước tới nay, cao hơn ngày kỷ lục hôm 9/11 với 222 ca mắc. Đáng chú ý là trong 289 ca mắc mới có 161 ca đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; 25 ca đã tiêm 1 mũi, 72 ca chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 18 tuổi).
Chủ động triển khai biện pháp kiểm soát dịch ở các địa phương
Chiều 15/11, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc COVID-19, đây là ca số mắc thấp nhất trong ngày được ghi nhận trong 7 ngày qua. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.
Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là tâm điểm của dịch COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk với 1.683 trường hợp mắc COVID-19. Trong 7 ngày gần đây, thành phố ghi nhận 423 ca mắc mới, ngày cao nhất phát hiện 110 ca trong cộng đồng.
Để phát hiện sớm các trường hợp F0, cắt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, từ ngày 6-9/11, thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai test nhanh SARS-CoV-2 cho toàn dân ở 21 xã, phường, qua đó phát hiện gần 200 ca mắc COVID-19. Hiện thành phố tiếp tục triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho cho gần 19.500 người dân ở vùng có ổ dịch cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 và từng bước kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.
Thành phố Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Dự kiến đến cuối tháng 11/2021, Bộ Y tế sẽ phân bổ thêm nguồn vaccine, bảo đảm cho tỉnh bao phủ 100% mũi 1 và nâng độ bao phủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đồng thời sẽ phân bổ trên 215.000 liều để tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi. Trong tháng 12/2021, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm vaccine, bảo đảm cho tỉnh bao phủ mũi 2 và tiêm trả mũi 2 cho số học sinh đã tiêm mũi 1, nhằm sớm tạo miễn dịch cộng đồng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, nhiều địa phương có số ca mắc mới trong cộng đồng tăng cao như thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Long Hồ… Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tập trung xét nghiệm nhanh khu vực nguy cơ cao, rất cao để phát hiện F0, tiến hành điều trị, đồng thời cách ly kịp thời F1, F2, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, từng địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án, kích hoạt thêm các bệnh viện dã chiến để đảm bảo công tác thu dung điều trị trong trường hợp số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao. Từ ngày 17/11, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch cách ly F1 tại nhà.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đáng chú ý, ngày 15/11 ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao tại huyện đảo Phú Quý. Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện đảo Phú Quý khá phức tạp. Qua điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng từ nhiều ngày trước. Để sớm khống chế dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng, Phú Quý tiếp tục tăng cường điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp có liên quan đến các ca mắc mới. Bên cạnh đó, huyện tập trung xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng và nhóm người có nguy cơ cao. Dựa vào tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch COVID-19, Bình Thuận hiện được phân loại dịch cấp độ 3 (vùng cam). Toàn tỉnh hiện có hai vùng cấp độ 4 (vùng đỏ) là thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.
Trước tình hình diện biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, số ca mắc liên tục tăng với hơn 300 ca/ngày, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường khuyến cáo đến người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu tạm dừng bán hàng ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán mang về, phong tỏa những địa bàn có ca mắc COVID-19, ngừng hoạt động nhiều tuyến xe buýt. UBND thành phố Cao Lãnh cho biết, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng nhanh. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch lây lan, UBND thành phố đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Sau thời gian mở cửa trở lại đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục tăng mạnh, đến nay đã hơn 1.000 ca. Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch, tỉnh tăng tốc triển khai tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân trên địa bàn, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, đến giữa tháng 11/2021, tỉnh đã được cấp hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉnh đã hoàn thành 20 đợt tiêm và đang tiếp tục thực hiện việc tiêm chủng đợt 21 cho người dân trên địa bàn 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Với lượng vaccine như hiện tại, địa phương đạt tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1 là 96,2% và mũi 2 là 44% cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đối tượng từ 50 tuổi trở lên sẽ được tiêm đủ liều vaccine đạt tối thiểu 80% trong tháng 11...
TTXVN
loading...