A+ A A- Kiểu đọc sách

Từ nay đến hết năm 2022, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp

14:52 14/11/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/11 đã đánh dấu một mốc mới trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam khi  số ca mắc bệnh của nước ta vượt mốc 1 triệu ca.

Dịch Covid-19 chiều 14/11: Hà Nam khẩn trương điều tra dịch tễ liên quan ổ dịch ở một doanh nghiệp

Dịch Covid-19 chiều 14/11: Hà Nam khẩn trương điều tra dịch tễ liên quan ổ dịch ở một doanh nghiệp

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Dự báo từ nay đến hết năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Do đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và người dân tuân thủ nghiêm 5K chính là cách thức tốt nhất để bảo vệ thành quả chống dịch của nước ta.

Có phường ở cấp độ 4, Hà Nội lên phương án triển khai trạm y tế lưu động

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến sáng 14/11, Việt Nam có 1.018.346 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.335 ca mắc).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), ghi nhận số ca mắc mới trong nước là 1.013.330 ca, trong đó có 855.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (446.443 ca), Bình Dương (242.874 ca), Đồng Nai (77.399 ca), Long An (36.441 ca), Tiền Giang (20.506 ca).

Chú thích ảnh

Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn có xu hướng tăng, nhất là ở khu vực phía Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số địa phương có ca F0 tăng cao gồm thành phố Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Bình Tân, 12 và Gò Vấp. Trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là hai nơi có nhiều ca COVID-19 nhất. Trước tình hình người bệnh COVID-19 (F0) có xu hướng tăng lại, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động ở Quận 12 (20 trạm), Bình Chánh (8 trạm), Hóc Môn (4 trạm), Bình Tân (1 trạm). Trước đó, Thành phố cũng đã yêu cầu kích hoạt 40 trạm y tế lưu động tại huyện Hóc Môn.

Đồng thời, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cũng kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các Trung tâm Y tế quận, huyện; thực hiện giám sát, triển khai các phương án, giải pháp trong việc xử lý, kiểm soát dịch bệnh cộng đồng tại trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tỉnh Tiền Giang sáng 14/11 ghi nhận 356 F0, trong đó có 78 ca cộng đồng. Đến nay, Tiền Giang đã ghi nhận hơn 20.500 ca F0 (đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Long An). Tiền Giang đã tiêm hơn 1,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 5.777 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, với nhiều điểm dịch phức tạp như tại Thanh Xuân, điểm dịch phường Phú Đô, Bạch Trữ… Theo kết quả cập nhật đánh giá cấp độ dịch ngày 12/11, trên toàn thành phố, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). Tại cấp quận/huyện, 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô đều đạt cấp độ 2. Ở cấp xã thì Hà Nội có 4 xã, phường ở cấp độ 3 và có duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội có kế hoạch lập 508 trạm y tế lưu động, song không xác định tiến độ ngay mà theo phương án dịch bùng phát mạnh ở đâu thì thành lập ở đó. Đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Mô hình này được Bộ Y tế áp dụng ở các tỉnh phía Nam từ giữa tháng 8, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương - hai vùng dịch lớn nhất vừa qua, nhằm chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch, UBND quận, huyện, thị xã của Hà Nội chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc... thiết lập trạm y tế lưu động. Các trạm này sẽ hoạt động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.

Tỉnh Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; 12/13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn 1 huyện Hạ Hòa cấp độ 1. Toàn tỉnh có 1 xã ở cấp độ 4 là xã Thục Luyện (Thanh Sơn); 6 xã ở cấp độ 3 và 37 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ quyết định việc phân bổ vaccne phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 28, 29 năm 2021 với tổng số hơn 96.000 liều.

Chú thích ảnh

Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp... Đến thời điểm hiện nay, tất cả các nước trên thế giới hầu hết chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo chung là đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà phải có thể đến năm 2023. Lúc đó hy vọng dịch COVID-19 sẽ thành một bệnh theo mùa, bệnh đặc hữu...

Cả nước đã tiêm gần 98 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Dự báo từ nay đến hết năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường mới nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan, đặc biệt là một bộ phận người dân đã không áp dụng những biện pháp, khuyến cáo của cơ quan y tế. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch. Các địa phương phải hết sức quan tâm tới vấn đề về phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đến năm 2022, đầu năm 2022; tăng cường phủ vaccine phòng COVID-19 càng nhanh càng tốt để giảm các ca mắc và tử vong vì COVID-19.

Theo Bộ Y tế: Cập nhật đến 13 giờ ngày 13/11, cả nước đã tiêm được gần 98 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 12/11 tiêm được 1.273.051 liều- cao hơn khoảng 200.000 liều so với ngày trước đó.

Có 10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ): Cà Mau, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Sơn La, Quảng Ninh và Khánh Hòa.

Hiện 10 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ) là Cần Thơ, Bắc Kạn, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương, Hưng Yên, Trà Vinh.

Có 16 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang (đã tiêm được 1.389.266 liều vaccine).

Chú thích ảnh

Thành phố Hà Nội dự kiến triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, dự kiến vào quý 4/2021 tới quý 1/2022. Thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng của Bộ Y tế. Mục tiêu là trên 95% trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi.

Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 là 86,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 45,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 78,6% và 38,0%; miền Trung là 84,3% và 29,7%; Tây Nguyên là 78,9% và 11,2% và miền Nam là 94,0% và 60,8%.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP và đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm tới, trong đó có một số việc cần phải tập trung thực hiện. Thứ nhất là phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Người đã tiêm vaccine, dù mới 1 mũi, thì vẫn còn lây nhưng sẽ chậm đi, tỷ lệ bệnh nhân bị nặng rất ít. Bộ Y tế đang đánh giá về vấn đề này, nhưng thực tiễn từ Bình Dương, Phú Thọ thì tỉ lệ người đã tiêm vaccine mắc COVID-19 có diễn biến nặng rất thấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, hiện nay Việt Nam đã có đủ vaccine. Để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi, các tỉnh miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều và sẽ phân bổ đủ trong tuần thứ 4 của tháng 11/2021. Các tỉnh miền Trung cần thêm 5 triệu liều và sẽ được phân bổ đủ trong tuần thứ 3 của tháng 11/2021. Các tỉnh miền Nam cần thêm 4 triệu liều, khu vực Tây Nguyên cần thêm 2,5 triệu liều sẽ phân bổ toàn bộ sớm.

Phó Thủ tướng khẳng định dù đã tiêm đủ vaccine thì vẫn phải thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, thông điệp 5K. Ngay cả khi tiêm hết 100% người từ 12 tuổi thì mới được 80% dân số, với hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt khoảng 80% thì mới có khoảng 64% dân số được bảo vệ. Như vậy vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm. Phó Thủ tướng phân tích và nêu rõ “nếu mỗi người không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, 5K trong sinh hoạt, trong sản xuất thì dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến quá tải hệ thống y tế”.

Thứ ba, khi đã tiêm vaccine thì hoạt động giám sát y tế phải được thực hiện thật nghiêm ngặt, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi… Thứ tư là phải chuẩn bị đủ các loại thuốc điều trị triệu chứng, kháng virus ngay từ sớm, thực hành dần điều trị tại nhà, giống như trước đây chúng ta đã thí điểm cách ly tại nhà, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm…

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...