Phát hiện mới về nguồn gốc các nền văn minh Trung Bộ châu Mỹ cổ đại
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, một nhóm chuyên gia quốc tế do Đại học Arizona (Mỹ) dẫn đầu mới đây đã phát hiện gần 500 trung tâm nghi lễ thời tiền Tây Ban Nha ở miền Nam Mexico, qua đó thay đổi các lý thuyết hiện nay về nguồn gốc các nền văn minh Mesoamerica, hay Trung Bộ châu Mỹ cổ đại.
Những di tích này được phát hiện tại các bang Tabasco và Veracruz ngày nay, bao gồm khu vực sinh sống trước kia của người Olmec và các vùng đất thấp của người Maya.
Được xây dựng trong khoảng từ năm 1100 đến năm 400 trước Công nguyên, những công trình này có nhiều nét tương đồng với Agunada Fenix, di chỉ văn hóa Maya lớn nhất và lâu đời nhất được phát hiện vào năm 2020 tại bang Tabasco.
Đồng thời, những di tích mới khai quật cũng chia sẻ nhiều đặc điểm của San Lorenzo, trung tâm đầu tiên của nền văn minh Olmec, phát triển rực rỡ từ năm 1400 đến 1100 trước Công nguyên.
Từ trước đến nay giới chuyên gia vẫn tranh luận về việc nền văn minh Olmec dẫn đến sự phát triển của nền văn minh Maya hay người Maya đã phát triển độc lập. Tuy nhiên, theo nhà nhân chủng học Takeshi Inomata, thuộc Đại học Arizona, những phát hiện mới đã chứng minh mối liên hệ giữa San Lorenzo và Agunada Fenix, qua đó củng cố giả thiết người Maya đi sau đã sử dụng một số ý tưởng của nền văn minh tiền nhiệm.
Olmec là nền văn minh lớn đầu tiên của Mexico. Cùng với lịch pháp, chữ viết, kiến trúc xây dựng, người Olmec cổ đại còn thể hiện khả năng điêu khắc trình độ cao qua những chiếc mặt nạ đá, đầu đá khổng lồ được tìm thấy ngày nay. Cũng giống như nhiều nền văn minh cổ đại khu vực Trung Mỹ khác, Olmec phát triển rực rỡ và lụi tàn đầy bí ẩn.
Nếu Aztec hay Maya được coi là những nền văn minh nổi tiếng ở Mexico thì Olmec đã có mặt trước đó đến cả nghìn năm. Nhiều nền văn minh Trung Mỹ sau này đều chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Olmec.
Hồng Hạnh/TTXVN