Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 5/6 cho biết: Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.
Sau khi mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, cho thấy tốc độ phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch nước nhà.
Các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada và Anh.
Các điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế và Quy Nhơn.
Tới cuối tháng 4/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không tới nước ta đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Về lượng tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Việt Nam, mức tăng từ đầu tháng 4/2022 đến giữa tháng 5/2022 đã tăng hơn 4 lần. Cụ thể, ngày 1/4/2022, lượng tìm kiếm tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021, đến giữa tháng 5 đạt mức tăng 450% và tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh: Từ ngày 27/4, nước ta dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh. Từ ngày 15/5, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số. Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31, ngành du lịch đã chủ động quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao Đông Nam Á và du khách trên thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhưng đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành du lịch sau hơn 2 tháng chính thức mở cửa hoàn toàn. Các thị trường khu vực trên thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thị trường khu vực châu Á tăng 3,2 lần; khu vực châu Mỹ tăng 22,9 lần; khu vực châu Âu tăng 10,7 lần. Đặc biệt, tại SEA Games 31 vừa qua, Việt Nam đã thu hút các đoàn vận động viên, quan chức thể thao, khách du lịch trong khu vực Đông Nam Á.
Khách du lịch nội địa trong tháng 5/2022 ước đạt 12 triệu lượt, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có khoảng 8,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch. Trong 5 tháng qua, khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 211 nghìn tỷ đồng.
*Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 1893/BVHTTDL-TCDL gửi Bộ Y tế; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cho ý kiến với đề xuất tạm dừng yêu cầu về bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm 10.000 USD và Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022.
Phương án số 829/PA-BVHTTDL gồm khai báo y tế, kết quả xét nghiệm COVID-19 và yêu cầu về bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm 10.000 USD/người. Tuy nhiên, từ ngày 27/4, nước ta dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh. Từ ngày 15/5, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Ngày 14/5/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 886/PC-VPCP chuyển Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nghiên cứu, xử lý đề xuất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) về giải pháp cải thiện một số thách thức, rào cản kỹ thuật nhằm gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch, trong đó có tạm dừng yêu cầu bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 đối với khách du lịch đến Việt Nam.
- Du lịch TP HCM bứt phá - Bài 3: Chiến lược sản phẩm, dịch vụ mới
- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá - Bài 2: Thế mạnh trung tâm du lịch của cả nước
- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá - Bài 1: Bệ đỡ cho điểm đến địa phương
Theo quy định của Luật Du lịch, khách du lịch vào Việt Nam bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch. Thông thường, bảo hiểm du lịch chi trả các vấn đề như tại nạn, rủi ro, các bệnh cấp tính…không chi trả cho điều trị COVID-19. Tuy nhiên, việc điều trị cho ca mắc COVID-19 hiện không tốn kém nhiều chi phí như trước đây, đa số không phải nằm viện điều trị dài ngày. Căn cứ tình hình thực tiễn diễn biến dịch COVID-19 và những quy định nới lỏng trong phòng, chống dịch hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy yêu cầu đối với khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 đã không còn cần thiết.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bỏ yêu cầu về bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 đồng thời dừng Phương án số 829/PA-BVHTTDL. Các yêu cầu an toàn y tế đối với khách du lịch thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách du lịch tuân thủ Luật Du lịch và pháp luật liên quan...
TTXVN