Lạm phát tại Trung Quốc có thể thay đổi 'cuộc chơi' của kinh tế thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Giá tiêu dùng của Trung Quốc gia tăng trông có vẻ chỉ là một vấn đề nhỏ, khi lạm phát tại Mỹ đã chạm mức cao nhất 40 năm qua, Nga có nguy cơ vỡ nợ, còn Sri Lanka (Xri Lan-ka) đã chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán nợ nước ngoài.
Nhưng tình hình lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể là điềm báo cho một loạt vấn đề mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong thời kỳ đại dịch COVID, Trung Quốc hấp thụ lạm phát nhiều hơn là gây ra lạm phát. Trong khi các nhà sản xuất Mỹ chuyển chi phí đầu vào gia tăng sang cho người tiêu dùng, thì các công ty Trung Quốc lại hấp thụ chúng hay chuyển sang các chiến lược sản xuất năng suất hơn. Đó là lỳ do vì sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 1,5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ số giá sản xuất của nước này lại tăng đến 8,3%.
Tình hình này cho thấy những dấu hiệu của sự nứt gãy. Số liệu chỉ số CPI tháng Ba nói trên đánh dấu một sự tăng tốc so với mức trung bình 0,9% trong tháng Một và tháng Hai. Quan trọng hơn, đây là “sự bình yên trước cơn bão” lạm phát, khi tình hình xung đột tại Ukraine (U-crai-na) đang thúc đẩy giá dầu và thực phẩm, và Trung Quốc có thể tiếp tục áp đặt các lệnh phong tỏa mới theo cách không thể đoán định.
Dù Trung Quốc không có nguy cơ phát triển quá nóng như Mỹ, nhưng các xu hướng giá cả của nước này đang diễn biến theo chiều hướng không hợp lý. Dưới đây là ba cách thức mà tình hình lạm phát tại Trung Quốc có thể trở thành yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong năm 2022.
Thứ nhất, tình hình lạm phát giới hạn khả năng hỗ trợ tăng trưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương). Những tháng gần đây, Thống đốc PBoC Yi Gang đang có hiều hướng đi ngược lại với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, nới lỏng các điều khoản cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hạ lãi suất chính thức. Ngược lại, Fed đã bắt đầu một chu ký thắt chặt kéo dài và bao gồm nhiều bước nhằm kiềm chế lạm phát.
- Giới phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất trong 44 năm
- Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục ảm đạm
- Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 7 năm
Giá cả hàng hóa tăng mạnh đang làm phức tạp những tính toán của ông Yi. Như chuyên gia Wei He của công ty nghiên cứu Gavekal Research đã nói, "rõ ràng là những phản ứng chính sách của Trung Quốc với các lệnh phong tỏa trong năm 2020 đã khiến thị trường bất động sản phát triển quá nóng". Đặc biệt, ông cho biết doanh số bất động sản đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua và giá bất động sản cũng tăng lên các mức cao mới.
Giờ đây, mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc dường như đang đi xa tầm với, khi lạm phát đang đè nặng lên tâm lý của doanh nghiệp và các hộ gia đình, còn biến thể Omicron cũng đang tạo ra những “cơn gió ngược” mới.
Thứ hai, tất cả những dự đoán về một đồng NDT suy yếu đã không còn nữa. Vào giữa tháng Ba, PBoC dường như đã giới hạn tỷ giá vì muốn hỗ trợ xuất khẩu bằng đồng nội tệ thấp. Nhưng bối cảnh lạm phát, cũng như làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc, đã phá vỡ các kế hoạch này. Tháng trước, Viện Tài chính Quốc tế nhấn mạnh Trung Quốc đang chứng kiến mức độ thoái vốn chưa từng có trước đây, và cũng không xảy ra ở các thị trường mới nổi còn lại.
Một trong những mục tiêu lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ năm 2012 là quốc tế hóa đồng NDT. Năm 2016, đồng NDT đã lọt vào top năm đồng tiền mạnh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bên cạnh đồng USD, euro, yen và bảng Anh. PBoC cũng đi trước Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong kế hoạch tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Một tỷ giá mạnh cho đồng yen cũng phù hợp với mục tiêu của ông Tập Cận Bình trong việc xây dựng một nền kinh tế đổi với và lấy động lực nhiều hơn từ dịch vụ.
Thứ ba, tình hình địa chính trị có thể biến đổi khó dự đoán. Trong khi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều cường quốc khác trên thế giới đang “tẩy chay” năng lượng từ Nga, thì áp lực lạm phát có thể thúc đẩy Trung Quốc gần gũi hơn với Nga hơn. Giá dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga càng rẻ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ càng ít phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. Tuy nhiên, chiến lược này có thể khiến nhiều công ty và ngân hàng của Trung Quốc rơi vào danh sách trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ cần phải nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu trên trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố trong thời gian qua do số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Tại thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính quốc tế, giới chức thành phố đã áp đặt hai lệnh phong tỏa. Cụ thể, khu vực phía Đông của thành phố vừa kết thúc bốn ngày đóng cửa, trong khi khu vực phía Tây áp dụng lệnh này từ ngày 1/4. Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải, trung tâm sản xuất hàng bán dẫn, đồ điện tử và ô tô của Trung Quốc và là cảng vận tải đường biển nhộn nhịp nhất thế giới có thể gây tổn hại tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo nhà kinh tế Trung Quốc thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) Xu Tianchen, gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Ông nói: "Cũng sẽ có những tác động ở những nơi khác bởi có sự liên kết giữa thành phố Thượng Hải và các vùng khác của Trung Quốc, nhất là trung tâm chế tạo vùng đồng bằng sông Dương Tử".
Ở cấp địa phương, Thượng Hải, vốn nổi tiếng là "điểm đến" của các tập đoàn thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci và Louis Vuittons, đã ghi nhận chi tiêu tiêu dùng giảm. Theo ông Xu Tianchen, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ, khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa có thể khiến GDP hàng năm của Thượng Hải trực tiếp giảm 3,7%.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại công ty NatWest Markets, Peiqian Liu, cho biết Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách nới lỏng về tài khóa và tiền tệ nhằm ổn định đà tăng trưởng trong nước cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu về ngắn hạn. Trong khi đó, ở Thượng Hải, một số công ty đã quyết định đóng cửa trong thời gian phong tỏa, trong khi những công ty khác trong các ngành như dịch vụ tài chính và sản xuất ô tô lại áp dụng biện pháp cho nhân viên ở và làm việc ngay tại văn phòng hoặc nhà máy.
Tuy nhiên, ông Xu Tianchen cho rằng những biện pháp trên không thể duy trì lâu dài. Ông nói: "Có lo ngại cho rằng nếu các lệnh phong tỏa bị kéo dài và tình trạng gián đoạn giao thông vận tải và chuỗi cung ứng tiếp diễn, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận nguồn cung".
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa nếu có thêm các đợt phong tỏa, trong đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu nhiều tác động nhất.
Khánh Ly (Theo Nikkei Asia)/TTXVN