Lạm phát tại Eurozone ghi nhận mức cao kỷ lục mới
Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/8 cho thấy lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8 đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong việc nâng lãi suất.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 8 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số này trong tháng 7 đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 tăng mạnh chủ yếu do giá thực phẩm, đồ uống có cồn, thuốc lá tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 9,8% ghi nhận trong tháng 7.
Lạm phát về hàng hóa công nghiệp và dịch vụ cũng tăng nhanh, trong khi lạm phát năng lượng giảm nhẹ xuống mức 38,3% trong tháng 8 so với mức 39,6% trong tháng 7. Chỉ số giá tiêu dùng lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4% trong tháng 7.
Giới chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát tại Eurozone sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng tới, thậm chí có thể lên tới mức 2 con số, trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng trở lại. Lạm phát tăng cao gây thêm áp lực đối với ECB. Dự kiến ngân hàng này có thể quyết định tăng lãi suất chủ chốt một lần nữa tại cuộc họp ngày 8/9 tới, sau khi đã tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 7 vừa qua.
- Lạm phát kỷ lục trong 22 năm ở Mexico
- Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ
- Khi lạm phát chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng
Tại Pháp, số liệu chính thức của Cơ quan thống kê (INSEE) cho thấy tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này trong tháng 8 đã giảm nhẹ sau khi tháng 7 ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên lạm phát tại nước này giảm trong vòng hơn 1 năm qua.
Theo đó, giá tiêu dùng tại Pháp trong tháng 8 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn chút ít so với mức tăng 6,1% của tháng 7 - mức tăng cao nhất kể từ năm 1985.
Theo INSEE, xu hướng giá nhiên liệu tăng đã có dấu hiệu dịu bớt trong tháng 8, song giá sản phẩm chế tạo và thực phẩm vẫn tăng.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận lạm phát giảm nhẹ trong tháng 8, mặc dù vẫn ở mức cao 10,4%. Giá tiêu dùng tại Đức, nền kinh tế đầu tàu Eurozone, tăng 7,9%.
Thanh Hương/TTXVN