Giới trẻ Trung Quốc hướng tới lối sống đơn giản
Một bộ phận thanh niên Trung Quốc đã tìm đến lối sống đơn giản hơn để tiết kiệm tiền.
Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, Doris Fu đã hình dung ra một tương lai khác cho bản thân và gia đình: một chiếc xe hơi mới, một căn hộ lớn hơn, ăn ngon vào cuối tuần và những kỳ nghỉ trên các hòn đảo nhiệt đới.
Tuy nhiên, giờ đây, nhà tư vấn tiếp thị 39 tuổi làm việc tại Thượng Hải này là một trong số nhiều người trong độ tuổi 20, 30 ở Trung Quốc cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể. Một bộ phận thanh niên Trung Quốc đã tìm đến lối sống đơn giản hơn trước.
“Tôi không đi làm móng tay và làm tóc nữa. Tôi cũng dùng mỹ phẩm nội địa với giá rẻ hơn khoảng 60%. Ngày trước, tôi thường đi xem phim 2 lần/tháng, nhưng kể từ dịch COVID-19, tôi chưa trở lại rạp chiếu phim lần nào”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ với hãng tin Reuters.
Fu cho biết cô đã hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ của mình để mua một căn lớn hơn, cũng như từ bỏ việc nâng cấp chiếc Volkswagen Golf của mình.
Lựa chọn của Fu diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi hiện nay ở Trung Quốc là gần 19%, sau khi đạt mức kỷ lục 20% vào tháng 7. Theo hai cuộc khảo sát riêng rẽ khác, một bộ phận người trẻ tuổi đã bị cắt giảm lương trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1% trong 3 tháng đầu năm nay.
Chính vì vậy, một số người trẻ đã hướng tới lối sống tiết kiệm thay vì tiêu xài phung phí.
Sau nhiều năm chủ nghĩa tiêu dùng được thúc đẩy nhờ mức lương tăng, dùng thẻ tín dụng dễ dàng và mua sắm trực tuyến, xu hướng tiết kiệm ở Trung Quốc đang đưa những người trẻ tuổi xích lại gần với thế hệ trước.
Lối sống tiết kiệm còn được nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội khích lệ. Một nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng chia sẻ là Bilibili, ở độ tuổi 20, sinh sống tại thành phố Hàng Châu. Người này đã đăng tải hơn 100 video về cách nấu bữa tối với giá 10 nhân dân tệ (33.000 đồng) và thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi.
Tại Thượng Hải - một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc, các cuộc thảo luận chia sẻ về các mẹo tiết kiệm như “Sống với 1.600 tệ một tháng” bùng nổ trên các trang mạng xã hội.
Yang Jun chia sẻ trước đây cô có những khoản nợ thẻ tín dụng cao ngất ngưởng. Năm 2019, cô thành lập một nhóm có tên Viện Nghiên cứu Tiêu dùng Thấp trên trang mạng Douban. Nhóm đã thu hút hơn 150.000 thành viên. Yang cho biết cô đang cắt giảm chi phí và bán một số đồ đạc trên các trang bán đồ cũ để kiếm tiền.
“COVID-19 khiến mọi người trở nên thận trọng hơn. Bạn không thể giống như trước đây, tiêu hết số tiền kiếm được và kiếm lại vào tháng sau”, nữ quản trị nhóm 28 tuổi nói rằng bản thân hiện tại không còn khoản nợ nào cả và bỏ thói quen uống một ly Starbucks mỗi ngày.
Các thương hiệu cao cấp của Pháp như LVMH hay tập đoàn cà phê Starbucks cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong quý gần đây.
“Chúng tôi đã lập bản đồ hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc trong 16 năm và trong quãng thời gian này, tôi nhận thấy người tiêu dùng trẻ tuổi là đối tượng được quan tâm nhiều nhất”, Benjamin Caosystem, Giám đốc điều hành của Nhóm Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMR), cho biết.
Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng trở lại lên 5,4% vào tháng 8, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch 2019 là hơn 7%.
Theo cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), gần 60% người dân có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu dùng hoặc đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ cách đây 3 năm là 45%.
Các gia đình Trung Quốc đã bổ sung tổng cộng 10.800 tỷ nhân dân tệ vào các khoản tiết kiệm ngân hàng trong 8 tháng đầu năm, tăng so với 6.400 tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm ngoái.
Theo Báo Tin tức/ Reuters