Đứt cáp quang - thiệt hại khó lường cho người dùng mạng
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, hệ thống cáp quang nhiều lần gặp sự cố đã ảnh hưởng đến công việc và đời sống của đông đảo người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, quảng cáo.
- Đứt cáp quang biển quốc tế ở Vũng Tàu, internet bị nghẽn
- Vinaphone mất liên lạc sáng 24.10 do đứt cáp quang
Mặc dù đã gần một tháng từ khi xảy ra sự cố đứt cáp quang nhưng dân mạng vẫn không ngừng than phiền về việc không truy cập được vào một số trang mạng, đặc biệt các trang web xem hình trực tuyến đều có tốc độ xử lý rất chậm.
Anh Đỗ Kim Cơ, Giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Văn hóa phẩm Tri thức trẻ cho biết: “Công việc hàng ngày của mình đều giao dịch qua thư điện tử (e mail) và trang thông tin cá nhân facebook, giờ gửi thư xong, gọi điện mãi mà đối tác không nhận được thấy sốt ruột lắm. Gửi có cái bìa sách để duyệt mà mãi không được, đành phải in ra rồi cho nhân viên mang đến tận khách hàng. Bất tiện vô cùng. Sắp đến Tết rồi mà công việc giao dịch cứ bị đình hoãn chỉ vì mạng chập chờn, tốn thời gian làm việc mà không được kết quả gì”.
Dự kiến, phải đến ngày 23/1/2017 mới khắc phục xong đường cáp quang bị đứt
Những hộ kinh doanh chơi game online và dịch vụ Internet cũng là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ sự cố đứt cáp quang biển. “Từ khi mạng chập chờn, cửa hàng vắng khách đi hẳn. Người chơi bực bội, hay chửi thề, đập bàn phím, càu nhàu và bỏ cửa hàng, không cả thanh toán mà cửa hàng chúng tôi không thể làm gì vì do lỗi mạng”, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một quán game online ở ngõ Đội Cấn, Hà Nội cho biết.
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng tỏ ra bức xúc vì tốc độ mạng chậm gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hoặc công việc hàng ngày. Hiện tượng nhiều người gặp phải nhất chính là việc tốc độ lướt web chậm, không tải được những thông báo mới trên Facebook, ảnh, video trên các trang phim, nhạc cũng có dấu hiệu không hiển thị được nội dung. Việc cứ nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại và chờ đợi khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bực bội, bất lực.
Sự việc hàng loạt 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là APG, AAG và IA liên tục gặp sự cố và đến thời điểm này vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn khiến nhiều trang mạng bị tụt dốc thẳng đứng về lượng tương tác. Những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những người bán hàng trực tuyến (online), những đơn vị quảng cáo, thông tin... đều chịu hậu quả có thể nói là nghiêm trọng khi lượng truy cập trang tụt dốc trong khi thời điểm dịp cao điểm bán hàng Tết này.
“Cùng một số tiền thuê bao mình phải trả cho nhà mạng và trang web, đáng lẽ ra có mấy trăm nghìn người sẽ xem được quảng cáo của mình, nhận được thông tin sản phẩm của mình thì giờ giảm đi, chỉ còn khoảng 1/10 số người nhận được tiếp cận được thông tin của mình. Thiệt hại vô cùng!” Chị Nguyễn Thúy Hằng, người sử dụng mạng internet để quảng cáo trực tuyến tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.
Anh Phạm Thanh kinh doanh tư do mặt hàng cửa lõi thép nhập khẩu của châu Âu cho biết, đội ngũ nhân viên kinh doanh trong công ty anh gần như phát điên lên vì không thể sử dụng thư điện tử để giao dịch và chốt hợp đồng với nhà cung cấp. Khách hàng trong nước thì không nhận được hình ảnh mẫu gửi qua email, các đơn hàng giảm, và nếu nhận được thì lại sợ rủi ro.
Trong thời điểm đầu năm, nhiều công ty thực hiện đấu thầu cho những đơn hàng cả năm. Sự cố trong giao dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty trong thời gian tới khi việc đầu thầu của các doanh nghiệp của Việt Nam bị trục trặc trong khi các công ty nước ngoài khác không phải chịu rủi ro này. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài.
Viettel là nhà mạng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự cố đứt cáp quang. Đại diện của đơn vị này mới đây đã xin lỗi khách hàng: Đây là sự cố bất khả kháng và có thể gây ảnh hưởng đến việc kết nối Internet đi quốc tế.
Vì vậy, Viettel xin thông báo đến quý khách hàng sử dụng dịch vụ và rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của quý khách hàng. Hiện nay, dù đã định tuyến và san tải qua các hướng khác nhưng chất lượng mạng của Viettel cũng chỉ ở mức tương đối.
Các nhà cung cấp khác như VNPT, FPT Telecom hay CMC có đường truyền ổn định hơn nhưng đôi khi vẫn có trường hợp khó truy cập. Sự cố "bất khả kháng" và khó khăn trong việc khắc phục hậu quả của việc đứt khiến cả nhà mạng, doanh nghiệp, người sử dụng rõ ràng đang tạo ra những xáo động trong xã hội. "Khó chịu" nhưng "phải chịu" là cảm giác chung mà cộng đồng mạng đang phải đối mặt.
Trong năm 2016, tuyến AAG (Asia America Gateway - tuyến cáp quang biển xuyên lục địa dài hơn 20.000km kết nối Đông Nam Á với đất liền của Mỹ) đã ba lần gặp sự cố, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Lần xảy ra sự cố gần đây nhất 8/1 được dự kiến đến 29/1 mới sửa chữa xong. Tuyến cáp quang IA (Intra Asia – tuyến cáp quang biển Liên Á) thì bị lỗi ngày 10/1 và được khắc phục ngay trong ngày. Tuy nhiên, đến chiều ngày 11/1, tuyến IA lại bị lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore.
Cho đến nay, lịch sửa chữa tuyến này vẫn chưa được công bố. Đặc biệt hơn, tuyến APG (Asia Pacific Gateway – tuyến cáp quang biển Châu Á – Thái Bình Dương), dù mới được đưa vào sử dụng hồi tháng 12/2016 nhưng ngay cuối tháng đó đã bị 2 sự cố đồng thời dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore. Dự kiến, phải đến ngày 23/1/2017 mới khắc phục xong.
Như vậy, có thể khẳng định trong thời gian tới, những hậu quả của việc đứt cáp quang sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất và đời sống hàng ngày của đông đảo người dân Việt Nam.
TTXVN/Ngọc Bích