Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 đã "hạ nhiệt" khá sâu
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 đã "hạ nhiệt" khá sâu khi chỉ tăng 0,47% so với tháng 10, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 0,85% của tháng 10 và mức đỉnh 2,2% của tháng 9 trước đó.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/11 cho thấy, CPI tháng 11 đã tăng 6,52% so với tháng 12/2011, đưa CPI bình quân 11 tháng qua tăng 9,43% so với cùng kỳ 2011. Vì vậy, khả năng CPI cả năm 2012 sẽ có thể kiềm giữ được ở mức 8% nếu CPI tháng 12 tăng không quá 1,4%.
CPI tháng 11 tăng ở 9/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03-5,16%, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhóm giao thông. Hai nhóm giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Bưu chính viễn thông.
Theo TCTK, CPI tháng 11 hạ nhiệt khá sâu là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 40%) trong Rổ hàng chung đã giảm 0,08%, nhờ giá thực phẩm giảm tới 0,21%, còn giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,05%. Đây là xu hướng giảm giá tích cực và khá bất ngờ, đi ngược hẳn với quy luật tiêu dùng mọi năm trước đây và đóng góp tích cực cho việc kiềm giữ CPI cả nước chỉ tăng thấp.
Tuy vậy trong tháng 11, nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tiếp tục tăng rất mạnh tới 5,16%, do tác động của việc nhiều tỉnh, thành tăng viện phí, trong đó dịch vụ y tế tăng 6,66%. Tính đến tháng 11/2012, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã có tháng thứ 5 liên tiếp tăng giá với mức tăng lớn.
Để tăng cường kiểm soát giá cả những tháng cuối năm, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để kịp thời cung ứng nhằm bình ổn thị trường.
Đối với các địa phương triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, giải pháp giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết cần tiếp tục tăng cường, song song với việc đẩy mạnh đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng nhằm chủ động tạo nguồn hàng ổn định, lâu dài và bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, Sở Tài chính các tỉnh cần phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra, Công an, Thuế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
Ngoài ra, với tác động rất lớn của việc điều chỉnh giá học phí, giá dịch vụ y tế lên CPI chung như thời gian qua, các tỉnh, thành phố cần tính toán giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá, như giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá.
Theo Nguyễn Kim Anh
TTXVN