Tìm hiểu bệnh tay chân miệng
(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh tay chân miệng ở nước ta lưu hành hầu hết 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt thường gặp vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, là mùa đầu năm học mới. Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
- Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức chương trình Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật kỷ niệm 11 năm thành lập
- Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Tổ chức tầm soát tim mạch miễn phí cho trẻ em
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền từ người sang người, bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Bệnh biểu hiện qua các giai đoạn như:
Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.
Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Sốt nhẹ.
Nôn.
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Các thể lâm sàng:
Thể tối cấp: Bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.
Thể cấp tính với bốn giai đoạn điển hình như trên.
Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.
Xét nghiệm:
Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm tương ứng như: Công thức máu, CRP, đường huyết, điện giải đồ, X quang phổi, khí máu troponin I, siêu âm tim, dịch não tủy…
Xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định: (nếu có điều kiện) từ độ 2b trở lên hoặc cần chẩn đoán phân biệt: Lấy bệnh phẩm hầu họng, phỏng nước, trực tràng, dịch não tuỷ để thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc phân lập vi rút chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Chụp cộng hưởng từ não: Chỉ thực hiện khi có điều kiện và khi cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý ngoại thần kinh.
Chẩn đoán ca lâm sàng: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học.
Yếu tố dịch tễ: Căn cứ vào tuổi, mùa, vùng lưu hành bệnh, số trẻ mắc bệnh trong cùng một thời gian, trẻ có tiếp xúc trẻ bị bệnh tay chân miệng trước đó.
Lâm sàng: Phỏng nước điển hình ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, kèm sốt hoặc không.
Chẩn đoán xác định: Xét nghiệm RT-PCR hoặc phân lập có vi rút gây bệnh.
Tuy nhiên cần phân biệt với một số bệnh có những biểu hiện tương tự bệnh tay chân miệng như:
Viêm loét miệng (áp-tơ): Vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát.
Các bệnh có phát ban da: sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue.
Viêm não-màng não: do vi khuẩn hay vi rút
Nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi.
Bs CK2 Phạm Nguyễn Yến Trang- Phó khoa Nhi
Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long