Tiêu điểm: Bỏ giải!
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam đang là điểm sáng của thể thao thế giới vì những nỗ lực vượt qua dịch Covid-19. Thế nhưng, nền bóng đá nước nhà vẫn còn những tồn tại chưa thể khắc phục. Chẳng hạn như vấn nạn trọng tài.
1. "Nếu tình trạng trọng tài vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ xin bỏ trận đấu, bỏ giải luôn, không tham gia nữa. Còn chơi như này thì đằng nào chúng tôi cũng xuống hạng. Cố tình làm thế chúng tôi bỏ luôn, không cần thiết", giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ tỏ ra cực kỳ bức xúc về công tác trọng tài của V League 2020.
Có thể hiểu được tâm trạng ấm ức của ông Sỹ khi mà Nam Định là đội chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tiếng còi méo. Họ từng thua oan Hải Phòng ở vòng 6 vì sai lầm trọng tài, và đến vòng 10 lại bị từ chối tới 3 tình huống đáng ra phải được hưởng 11m. Tính đến hết vòng 10, cả ba trường hợp trọng tài bị treo còi đều rơi vào các trận đấu có đội bóng thành Nam góp mặt. Hệ quả, Nam Định đang phải chuẩn bị tâm lý cho vòng chung kết ngược nhằm trụ lại V League.
Trong quá khứ, V League đã chứng kiến không ít đội bóng bỏ giải. Hòa Phát Hà Nội năm 2011 bỏ giải vì bức xúc với trọng tài, XMXT Sài Gòn năm 2013 bỏ giải vì bầu Thụy chỉ trích VFF không xử lý dứt điểm vụ Bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng. Còn V.Ninh Bình thì bị bầu Trường xóa sổ do một loạt cầu thủ mua bán độ ở AFC Cup 2014.
Nam Định không thuộc sở hữu cá nhân nào, mà trực thuộc tỉnh nên không phải cứ nói bỏ là bỏ, nhất là khi đây là địa phương yêu bóng đá bậc nhất cả nước, với số khán giả đến sân cao số một ở hai mùa giải qua. Song rõ ràng, lời dọa dẫm của ban huấn luyện đội bóng thành Nam rất đáng để cho những người làm bóng đá Việt phải suy ngẫm.
2. Nếu công tác trọng tài vẫn không có tiến triển, nếu những sai lầm vẫn tiếp tục diễn ra, chắc chắn sẽ không chỉ có riêng Nam Định lên tiếng đòi bỏ giải. Hiệu ứng domino có thể xuất hiện khi các đội khác lấy cớ để phản ứng với ban tổ chức, với ban trọng tài.
Một đội bóng bỏ giải có thể gây ra những hệ lụy phức tạp. Từ tương lai vô định của hàng chục cầu thủ, sự xáo trộn về lịch thi đấu, những tranh cãi về điểm số, cho đến quan trọng nhất là vấn đề "đầu tiên". Ngoài việc các doanh nghiệp có thể rời bỏ đội bóng, nhà tài trợ của giải đấu cũng có thể sẽ ra đi, hoặc cắt giảm tiền. Sự sụt giảm về mặt tài chính là hệ lụy đáng lo nhất, sát sườn nhất vì nó gắn liền với lợi ích của cầu thủ, HLV, và cả chính đội ngũ trọng tài, cũng như tương lai của cả một đội bóng và hệ thống đào tạo trẻ.
Bên cạnh những thành công của U23 và tuyển Việt Nam ở khu vực và châu lục dưới triều đại Park Hang Seo, cũng như nỗ lực tuyệt vời trong cuộc chiến chống Covid-19, bóng đá Việt thời gian vừa qua vẫn còn những mặt tối. Từ vụ 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp bị cấm thi đấu ở cấp độ FIFA vì dàn xếp tỷ số, cho đến bây giờ là những yếu kém trong công tác cầm cân, nảy mực của những vị vua áo đen.
Và một khi, những tồn tại này chưa thể khắc phục, thì chúng ta vẫn chỉ là vùng trũng của bóng đá thế giới mà thôi.
Tuấn Cương