Tiêu cực bóng đá Việt Nam: Muốn giỏi việc nước phải đảm việc nhà!
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện tiêu cực trong bóng đá nước nhà đã làm khán giả cả nước chán tới mức gần như không thể chán hơn nữa. Tất cả đều hiểu rằng nếu phó mặc hoàn toàn công tác đánh dẹp tiêu cực cho VFF và VPF thì vẫn chưa đủ, và bây giờ chỉ còn hy vọng vài vài ba điểm sáng từ CLB, hoặc chí ít là tấm gương giúp cầu thủ phục thiện, làm lại cuộc đời.
1. Còn nhớ gần 10 năm trước, bóng đá Việt đã từng rúng động khi câu chuyện tại Bacolod năm ấy nổ ra. Quá khứ ấy không bao giờ ngủ yên, nhất là khi thi thoảng một vụ cầu thủ bán mình lại bị khui ra.
Cần phải xác định với nhau rằng, những cầu thủ của Đồng Nai bây giờ, hay V.Ninh Bình hôm rồi một khi đã bán đứng tất cả, thì họ xứng đáng phải nhận những hình phạt thích đáng, và cũng chính thức khép lại cuộc đời bóng đá của mình. Đấy là điều công bằng, là cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật.
Có điều, nếu trút hết căm hận vào cái gọi là cầu thủ “bán mình cho quỷ”, thì cũng phải đặt ngược vấn đề rằng con quỷ trong lĩnh vực bóng đá đó là ai? Những người có trách nhiệm liệt kê gần chục dạng tiêu cực bóng đá, và cho thấy bóng đá nước ta xứng đáng là quán quân về dạng thức tiêu cực.
Sẽ không quá lời nếu nói rằng bóng đá chuyên nghiệp ở ta, từ cấp ĐTQG đến CLB, chưa thể là môi trường tốt nhất cho việc xây dựng nền tảng và điều kiện để một cầu thủ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cũng có thể nói cách khác, cầu thủ muốn lương thiện, muốn trở thành tài, nhưng vấn đề là họ cần có môi trường thích hợp.
2. Đâu phải ai cũng như Công Vinh, từng như người đặc biệt trong một môi trường mà đồng đội SLNA đa số có vấn đề, có khi hơn nửa đội phải họp kiểm điểm (như Cúp QG 2004), Vinh thì không. Đấy là bản lĩnh, không phải cầu thủ nào cũng được như Công Vinh và một số không nhiều cầu thủ đã và đang tham chiến ở V-League.
Chúng tôi muốn nói lên một vấn đề về môi trường chuyên nghiệp, hay chí ít là nhân văn để giúp những người lầm lỡ có điều kiện hoàn lương, và đó không thể là đối tượng nào khác là vai trò các CLB.
Nếu so bó đũa chọn cột cờ, thật thấy quá đáng lo bởi số lượng CLB được biết đến chống tiêu cực, rắn mặt với cầu thủ là không nhiều, thậm chí là quá ít. Có chăng, SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.T&T và SLNA gần đây đang là điểm sáng.
SLNA lâu nay vẫn thường mang tiếng này nọ về tư cách cầu thủ, qua những vụ lùm xùm, nhưng gần đây họ quyết tâm thanh lọc cái xấu và đã chỉn chu hơn. Như việc công thần một thời Huy Hoàng phải ra đi, cùng nhiều biện pháp quản quân chặt chẽ cho thấy ý tưởng tạo ra sự tươi mới trong đội bóng đã cho kết quả ban đầu.
Những đội bóng đang được ông bầu Đỗ Quang Hiển tài trợ gần đây đã để lại những gam màu tích cực cho bức tranh toàn cảnh lúc này. Hà Nội.T&T đã cắt hợp đồng với không ít cầu thủ có vấn đề, trong đó có cả một số tài năng trẻ.
3. Gặp gỡ và trò chuyện cùng cầu thủ SHB.Đà Nẵng mà gần 10 năm trước trót dại tại SEA Games, ai nấy đều tâm sự may mắn được sống trong môi trường như SHB.Đà Nẵng, có được ông bầu cũng như lãnh đạo thành phố quan tâm. Những cầu thủ lầm lỡ đã không bị bỏ rơi trong lúc khốn khó và bí bách nhất. Đấy như cái phao, mà cũng như gia đình để anh em nhìn lại mình mà phục thiện.
Trong đêm hạnh phúc nhận giải thưởng Quả bóng vàng, Quốc Anh đã rưng rưng nói lời cám ơn đến CLB, đến lãnh đạo đội bóng cũng như ông Bá Thanh hay bầu Hiển. Trong hoàn cảnh khó khăn và nhiều u uất lúc đó, nếu không có những ân tình, Quốc Anh, Phước Vĩnh và Hải Lâm khó trụ vững trên đường đời.
Có quá nhiều lý do để cầu thủ sa ngã. Đồng tiền đến nhanh, cạm bẫy bủa vây và những mối quan hệ phức tạp từ xã hội. Nhưng sự buông lỏng quản lý từ chính CLB cùng việc thiếu những chế tài mạnh nhằm khép cầu thủ vào kỷ cương đã khiến bóng đá nước nhà đang trả giá.
Vậy nên, những gì mà SLNA. Hà Nội.T&T hay SHB.Đà Nẵng đang có được trong việc quản lý con người là đáng quý. Hỏi Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, hay Thanh Hưng, hẳn họ sẽ cảm ơn đội bóng và lãnh đạo của mình rất nhiều.
Không phải là quá hoàn hảo, nhưng những gì SHB.Đà Nẵng đã và đang làm được rất đáng suy ngẫm và chia sẻ.
Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa