Tiếp vụ NXB Mỹ phát giác sách lậu: 'Vì sao siết chặt xuất bản, mà chưa siết chặt in lậu'?
“Thật ra đây là việc không mới, vì chúng tôi phát hiện nó bị làm lậu từ năm 2011. Thế nhưng, có những việc chúng tôi nghĩ là “xử lý nội bộ” được, là thể diện nước nhà, nên không muốn thông báo đến NXB giữ bản quyền gốc, nay họ chủ động ra thông báo, nghĩa là tình hình đã xấu hơn trong mắt của họ” - ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty First News - Trí Việt) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.
Nỗi buồn kéo dài
* Trong Thông cáo báo chí mà First News đưa ra có đoạn: “Hai bản in lậu được ép keo, đóng xén cẩn thận, chứng tỏ sách được gia công có quy mô tại một máy đóng xếp lớn”. Xin hỏi, First News đã biết được “máy đóng xếp lớn” này ở đâu chưa?
- Vẫn ở Hà Nội, với số lượng in từ 5 đến 10 ngàn quyển cho một bản lậu. Tại sao có con số này? Vì theo kinh nghiệm thực tế mà chúng tôi có được trong 10 năm chống sách lậu, chỉ những sách nào ăn khách thì họ mới làm. Nhiều đầu sách của chúng tôi hiện diện ở thị trường, nhưng đến 80-90% là sách giả; chỉ cần lấy số lượng sách thật nhân lên cũng đoán biết được.
* Cách xử lý tiếp theo của First News là gì, khi mà việc đánh động dư luận này có thể khiến các cơ sở in lậu xóa bỏ dấu vết?
- Cuối năm 2011 chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng bắt gần 10 ngàn cuốn sách lậu thành phẩm, bán thành phẩm… tại cơ sở gia công Huy Thi (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chúng tôi kiện họ ra tòa, sau 3 năm xét xử kéo dài, chúng tôi bị bác đơn, vì hội đồng xét xử cho rằng số sách lậu chưa phát hành, nên không gây ra thiệt hại.
Trước tình hình như vậy, chúng tôi chỉ cố làm hết sức mình để bảo vệ độc giả mà thôi. Nhiều độc giả mua trúng sách lem nhem đã gửi về xin đổi, chúng tôi đành phải đổi cho họ, dù đó là sách in lậu.
Thông tin trong các Thông cáo báo chí như vừa rồi cũng là cách để giãi bày với độc giả nỗi oan và nỗi buồn kéo dài của mình.
Luật pháp còn lỏng lẻo
* Chuyện in lậu vốn khá phổ biến, nhưng tại sao chỉ có First News tỏ ra kiến quyết với việc đấu tranh này?
- Ai cũng biết, nhưng nhiều nơi ngại cuộc chiến không cân sức này nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chúng tôi vì trọng sự công bằng, vì bảo vệ văn hóa đọc chân chính, nên quyết theo đuổi tới cùng, chứ cơ chế và chế tài thật sự còn thiếu, yếu.
Tại sao một chai nước ngọt, một chai trà xanh gặp vấn đề; hay cô bé lớp 7 lấy trộm hai cuốn truyện trên Gia Lai… thì cộng đồng mạng dậy sóng, còn sách lậu sách giả tràn lan thì im lìm? Điều này có thể đến từ suy nghĩ thực dụng rằng nước ngọt kém chất lượng uống vào nguy hiểm; hoặc chuyện cô bé kia chạm vào lòng trắc ẩn; còn sách kém chất lượng cùng lắm đọc mỏi mắt chứ có bị sao đâu.
Rõ ràng luật pháp còn lỏng lẻo nên mới có cái nhìn không công bằng với các loại hàng hóa, tác động xấu đến văn hóa và hành vi ứng xử.
* Gần đây nhà nước đã siết chặt lại việc xuất bản, vài NXB đã bị phạt khá nặng, anh có nghĩ động thái này sẽ làm sách giả, sách lậu ít đi?
- Chúng tôi rất mừng. Thế nhưng, vì sao siết chặt xuất bản, mà chưa siết chặt in lậu? Các nhà in, các cơ sở gia công đều được cấp phép và trực thuộc quản lý rõ ràng, sai phạm đương nhiên dễ nhận ra, vậy tình trạng thả nổi với sách lậu, sách giả chẳng lẽ đến từ các lợi ích nhóm?
Theo một thống kê gần đây, người Việt chỉ đọc 0,8 quyển sách/năm, thật ra con số này sẽ nhiều hơn nếu sách lậu sách giả được kiểm soát tốt. Sách lậu sách giả không chỉ làm thất thoát thuế, mà còn làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam, làm mất niềm tin vào công bằng xã hội.
Tác giả T.Harv Eker bức xúc và xấu hổ vì sách lậu |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa