Tiền vệ Trương Văn Thái Quý: Hẹn hò từ nay xin khép lại
(Thethaovanhoa.vn) - Đóng vai trò thầm lặng trong chiến tích giành vé dự U20 World Cup của U20 Việt Nam nhưng chấn thương khiến cầu thủ gốc Quảng Trị phải gác giấc mộng đời người khó có này lại. Còn gì buồn hơn?
- 19h00 ngày 10/5, U20 Việt Nam - U20 Argentina: 'Bài test' cho U20 Việt Nam
- ‘U20 Việt Nam không tập chỉ để đá giao hữu với U20 Argentina’
- U20 Việt Nam và chuyện quanh băng đội trưởng
Trốn học đá bóng và những trận mưa roi
Dù là em út trong gia đình 6 anh chị em nhưng tuổi thơ của tiền vệ này dữ dội. Bố làm bảo vệ. Mẹ buổi sáng bán bánh mì, buổi chiều làm lụng thêm, mấy anh chị không có việc ổn định, thu nhập bấp bênh, từ nhỏ, Quý đã phải lăn vào để phụ giúp gia đình. Làm ruộng, xay lúa, làm việc nhà… Hễ cứ có việc, Quý đề không nề hà. Bởi thế mà lúc mới lên 12 tuổi, Quý có thể vác được bao lúa nặng tới 50 kg.
Gia đình không mấy khá giả nên với Quý, thú tiêu khiển duy nhất chỉ là bóng đá. Đá ở đồng ruộng hay những mô đất đầy đá sỏi, đá trước sân nhà của hàng xóm hay thậm chí sau mùa gặt, Quý cùng đám bạn trong làng ùa đi bứt tót (gốc còn lại của cây lúa sau khi gặt) rồi đổ trú lên làm gôn để đá. Có những lúc, đá hăng say vào nhà người ta là bị chặt bóng. Có những quả mới mua về đá thì bị chặt luôn. Với Quý thì “Đá đủ mọi nơi, cứ chỗ nào trống thì đem ra đá à”.
Những trận đòn roi như cơm bữa vì trốn học, trốn ngủ trưa đá bóng nhưng Quý không cảm thấy đau, bởi nỗi đau lớn nhất của Quý là không được đá bóng. Có hôm vào hè lớp 6, khi trường Tiểu học kế bên tổ chức giải bóng đá nhưng vì mê quá, em trốn học đi coi 2 buổi. Buổi đầu thì bị giáo viên chủ nhiệm đi qua kiếm còn buổi thứ 2 không may bị chị gái đi coi bắt ngay tại trận. Tối về bị mẹ đánh đòn”, tiền vệ nhỏ thó gốc Quảng Trị giãi bày.
Thua keo này, bày keo khác
Dù hay đánh đòn nhưng mẹ của Quý lại không phản đối con theo nghiệp đá bóng. Năm lớp 6, sau khi thi trượt ở Học viện HAGL Arsenal JMG, khi nghe tin PVF về Quảng Trị tuyển sinh, chính mẹ của Quý thúc em trai chở con mình đi thi tuyển. Khi đậu rồi, trong gia đình vẫn có nhiều ý kiến phản đối bởi lo trăm bề khi Quý còn nhỏ lại là con út. Thế nhưng, mẹ Quý là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất để con trai theo nghiệp bóng banh.
Sau đó, Quý cùng chị gái xách ba lô lên đường vào TPHCM. Chị chỉ theo cậu em trai đúng 1 ngày rồi sau đó là chuỗi ngày tự lập của chàng trai mới bước sang tuổi 13. Những ngày đầu vào PVF, Quý phải chiến đấu cật lực để giữ cho mình vị trí bởi quá trình sàn lọc của trung tâm này là rất gắt gao. Có những lúc tưởng bị loại và buông xuôi nhưng sự động viên của gia đình, đặc biệt là người mẹ “nhảy” xe vào TPHCM một vài ngày để an ủi, động viên con trai, Quý càng có động lực để vượt qua.
Bước ngoặt xảy đến ở vòng chung kết U13 toàn quốc 2010. Từ vị trí trung vệ, Thái Quý được HLV Trần Minh Chiến đôn lên đá tiền vệ phòng ngự và giúp đội nhà vô địch. Từ đây, Quý “đóng đinh” ở vị trí này và là người đóng vai trò thầm lặng trong mọi chiến công của các đội bóng U của PVF cũng như U19 Việt Nam.
Dẫu vậy, chấn thương ở cả chuyến tập huấn tại Nha Trang lẫn trong trận gặp U21 Roda JC tại Đức khiến Quý đành lỡ giấc mơ World Cup. “Cũng có chút cảm giác buồn nhưng em phải chấp nhận thực tế. Vẫn còn nhiều cánh cửa khác mở ra với em ở phía trước và em mong em sẽ may mắn hơn ở những lần sau”, Thái Quý giãi lòng.
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa