Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm: 'Tinh thần tốt đẹp của Tết vẫn được giữ nguyên vẹn'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, cho hay, dù điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, nếp sống và những phong tục Tết cũng thay đổi theo nhưng tinh thần tốt đẹp về Tết vẫn được giữ nguyên vẹn.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có dịp trò chuyện với Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm nhân dịp Nhà xuất bản Thế giới cùng MaiHaBooks vừa xuất bản cuốn sách Tết Việt Nam xưa.
Chúng ta giữ lại được hồn cốt của Tết
* Được biết Nhà xuất bản Thế giới cùng MaiHaBooks vừa xuất bản cuốn sách “Tết Việt Nam xưa”. Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm có thể chia sẻ điều đặc biệt của ấn phẩm này?
- Tết Việt Nam xưa tập hợp những bài viết của những tác giả nước ngoài và Việt Nam về Tết cổ truyền. Dung lượng cuốn sách không quá lớn, gần 200 trang, thích hợp cho bạn đọc phổ thông.
Tuy ngắn gọn nhưng bài viết chứa hàm lượng nội dung lớn vì súc tích, có tính tư liệu tốt, phục vụ công tác nghiên cứu về Tết cổ truyền Việt Nam với những nghi lễ, phong tục, thú chơi…
* Qua những bài viết của các cây bút này, ông nhận thấy Tết Việt Nam xưa và nay có điều gì khác biệt?
- Tôi cho rằng Tết Việt thay đổi nhiều bởi điều kiện kinh tế xã hội, nếp sống của chúng ta thay đổi. Không thể có phong tục tập quán nào của chúng ta tồn tại mãi được.
Cái mà chúng ta giữ lại được chính là hồn cốt của Tết, quan niệm tết là dịp sum họp cộng đồng, gia đình, hàng xóm hay rộng hơn là dân tộc… Tết là dịp người ta thể hiện sự tri ân với tổ tiên, ông bà, đồng thời đánh giá lại kết quả hoạt động năm qua, suy nghĩ ước muốn, lên kế hoạch cho năm mới với những điều ước muốn tốt đẹp nhất.
Tinh thần tốt đẹp của Tết vẫn giữ được nguyên vẹn như vậy, chỉ một số phong tục tập quán đã biến mất theo thời gian nhưng đáng mừng là hiện nay chúng ta cũng đang dần khôi phục lại. Đứng ở quan điểm của tôi, những phong tục tập quán, nghi thức tiến bộ có thể khôi phục phục dựng lại để phục vụ cuộc sống hiện đại.
* Bên cạnh những nghi lễ thờ cúng trong gia đình, cuốn sách có bài viết về Lễ nghinh xuân ở Huế hay Đại lễ Nam Giao… Điều này có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống đương đại, thưa ông?
- Một nền văn hóa, lịch sử nói chung đều phải có cơ sở và chúng ta cần hiểu biết quá khứ, nguồn cội. Những bài viết về những nghi lễ đã mất hoặc một số đang được phục dựng có ý nghĩa nhận thức, giáo dục, để chúng ta biết rằng văn hóa Việt Nam rất đa dạng: với những nghi lễ bình dân, nghi lễ cao cấp trong cung đình và cả yếu tố vùng miền…
Điều đó có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ mới rằng, có phong tục nghi lễ như thế từng tồn tại, hoặc có thể phục dựng phục vụ du lịch. Mục tiêu của chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì bản sắc dân tộc chính là những gì được tạo bởi thành tố rất nhỏ, từ những nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống vật chất, tinh thần…
Nhìn toàn bộ cuốn sách Tết Việt Nam xưa nổi bật là phần phong tục Tết của đồng bằng Bắc Bộ, Cung đình Huế. Phần Tết của miền Nam hi vọng chúng tôi có dịp nghiên cứu trong một ấn phẩm khác.
* Phần sau cuốn sách, trong bài viết của những học giả, du khách phương Tây nhìn Tết Việt Nam và cho rằng đó là sự kiện rất kỳ lạ. Ông đánh giá ra sao về góc nhìn của họ?
- Đây là phần rất thú vị và đặc sắc của cuốn sách Tết Việt Nam xưa. Chúng ta có nhiều những ấn phẩm về phong tục, thú chơi Tết nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý như thế này.
Thú vị bởi lẽ, như một người khách đi du lịch, tới một đất nước, tiếp xúc nền văn hóa mới thì chúng ta có sự so sánh. Người nước ngoài có sự so sánh trong quá trình quan sát như vậy và quá trình đó làm bật ra sự khác biệt thú vị. Họ thấy kỳ lạ cũng là điều tất nhiên thôi.
Đứng ngoài cuộc, người châu Âu nhìn thấy những khía cạnh rất đặc biệt về Tết mà người trong cuộc không nhận ra. Đồng thời, người Việt Nam cũng nhìn nhận về Tết theo tư duy và sự quan sát của mình.
Tập hợp những bài viết đó đặt vào trong một cuốn sách càng cho chúng ta nhìn nhận rõ sự đa dạng, đa chiều về Tết Việt.
Càng ra thế giới càng khao khát khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc
* Dòng sách Tết có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống đương đại Việt Nam, thưa ông?
- Câu hỏi này rất hay! Tại sao chúng ta cứ phải tái bản sách, Tết vẫn tồn tại, có phát triển, có thay đổi và thay đổi nhất chính là các thế hệ bạn đọc.
Sẽ có nhiều phát hiện mới, hoặc có những tư liệu cũ có thể hiện giờ chúng ta mới có thể phát hiện và công bố để soi sáng hơn những khía cạnh về lễ Tết, phục vụ những thế hệ bạn đọc khác nhau.
Cùng viết về Tết nhưng mỗi tác giả lại có đóng góp vào bức tranh chung về Tết Việt Nam từ những vùng miền khác nhau, từ những quan điểm, vùng miền, cách nhìn, ký ức…
Cho thế hệ bạn đọc hiện nay hiểu sâu hơn, toàn diện về một phong tục tập quán đến giờ vẫn giữ gìn nhưng khác thời xưa. Thế hệ bạn đọc luôn mới nên dòng sách này có nhiều thì cũng không bao giờ cũ hay nhàm chán.
* Từng có thời gian mọi người tranh luận rất nhiều về việc giữ hay bỏ Tết truyền thống nhưng kỳ thực thời gian gần đây mọi người ngày càng trọng Tết Việt hơn. Ông có suy nghĩ như vậy?
- Tôi cho rằng đây là quá trình hết sức tự nhiên. Khi toàn cầu hóa càng mạnh thì các dân tộc có nền văn hóa đặc sắc, hoặc những dân tộc nhỏ bé có xu hướng nhận lại bản sắc của mình để mình không bị lạc mất hay hòa tan.
Trong “ngôi làng” toàn cầu, thì người Việt, người Philippines, hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải đặt vấn đề: Ta là ai trong cộng đồng đó? Không lẽ ta ăn Tết giống người Mỹ chăng, hay người châu Âu? Trong quá trình hội nhập, mong muốn nhận lại bản sắc, bản dạng của nền văn hóa riêng mình càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan. Văn hóa, bản sắc dân tộc chính là sức mạnh mềm. Chúng ta thấy những phong tục tập quán như áo dài, cổ phục, được các bạn trẻ 8X, 9X hưởng ứng rất nhiệt tình. Các bạn trẻ càng tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng khao khát khẳng định mình là ai, thuộc về nền văn hóa nào, chúng ta có gì nói chuyện, chia sẻ với bạn bè thế giới.
Trước đây khi tôi học ngoại ngữ, lời khuyên của thầy giáo rất chính xác là khi gặp người nước ngoài, quá trình tiếp xúc thì khó khăn không phải là ngoại ngữ bởi ngoại ngữ mình có thể học hoặc dùng phương tiện tra cứu nhưng khó khăn là mình có gì để trao đổi thông tin với họ.
Mình có thể bị ảnh hưởng theo lẽ tự nhiên trong quá trình giao lưu văn hóa. Mình học hỏi để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc là sức mạnh mềm, khẳng định chỗ đứng của nền văn hóa của dân tộc, như một cá thể độc đáo riêng biệt trong ngôi làng toàn cầu.
* Xin cảm ơn TS.Trần Đoàn Lâm về cuộc trò chuyện!
Bảo Anh (thực hiện)