Thượng viện Mỹ bác 'Đạo luật Tự do Mỹ'
Với tỷ lệ 57 phiếu thuận và 42 phiếu chống, dự luật đã không hội đủ tối thiểu 60 phiếu ủng hộ để được thông qua. Động thái này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với nỗ lực cải tổ Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ (NSA) của Chính quyền Tổng thống Barack Obama sau hàng loạt bê bối tình báo.
Theo đề xuất của ông Obama, "Đạo luật Tự do Mỹ" cấm các cơ quan do thám và tình báo của Mỹ, như NSA, thu thập với khối lượng lớn dữ liệu từ điện thoại và các cuộc nói chuyện điện thoại của công dân Mỹ. Các cơ quan này chỉ được phép tiếp cận các dữ liệu điện thoại và các hồ sơ khác của công dân khi tòa án xác nhận có sự nghi ngờ liên quan tới khủng bố quốc tế. Trước đó, văn kiện này đã vượt qua được "ải" quan trọng là Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Hạ viện Mỹ.
Cùng ngày, với 45 phiếu thuận và 54 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cũng đã không thông qua việc gia hạn thêm 2 tháng đối với chương trình thu thập dữ liệu điện thoại của công dân Mỹ. Chương trình này được thực hiện theo nội dung của Khoản 2015 trong "Đạo luật Yêu nước", theo đó cơ quan an ninh Mỹ được phép tiếp cận điện thoại cũng như các hồ sơ khác của công dân. Khoản 2015 và một số điều khoản khác trong đạo luật này sẽ hết liệu lực vào ngày 1/6 tới. Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ trở lại làm việc vào ngày 31/5 tới và tiếp tục xem xét đề xuất gia hạn các điều khoản trên.
Trước đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnel và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr đề xuất gia hạn các điều khoản trên đến năm 2020.
"Đạo luật Yêu nước" được Quốc hội Mỹ thông qua ngay sau sự kiện 11/9/2001, trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn rộng hơn trong việc thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, đạo luật này bị cáo buộc là dung túng các hoạt động do thám của các cơ quan bảo vệ pháp luật, vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người Mỹ.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh hồi tháng Ba vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố sẽ chấm dứt các chương trình do thám sau thời hạn 1/6 nếu không được Quốc hội đặc biệt cho phép. Tuy nhiên các nhà hoạt động lo ngại sẽ có những lỗ hổng để các chương trình do thám tiếp tục.
P.V (TTXVN)