Thưởng Tết: Chuyện về sự thấu hiểu và sẻ chia
(Thethaovanhoa.vn) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang tới thật gần và người lao động mong lương, đợi thưởng hơn khi nào hết; nhất là trong bối cảnh eo hẹp kinh tế phải thắt chặt chi tiêu trước những ảnh hưởng tàn khốc của dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua.
Như bao người lao động, anh Nguyễn Dũng – Công nhân tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, thưởng Tết Âm lịch không chỉ nguồn động viên, mà còn là động lực để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Công ty thông báo mức thưởng Tết sớm sẽ khiến người lao động an tâm làm việc, chủ động lên các kế hoạch đón Tết cùng gia đình. Có câu: "Một đống tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" nên người lao động nào cũng hy vọng sẽ sớm nhận được sự động viên, khích lệ của của doanh nghiệp trong năm đầy biến cố của đại dịch như 2021.
Thực tế, trước những tác động của đại dịch COVID-19, đã có hàng loạt doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn khó, lao đao; thậm chí đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp còn lại đa phần đều đã đuối sức vì phải nỗ lực cầm cự để duy trì hoạt động và gồng gánh để trả lương cho đội ngũ công nhân, lao động nhằm ổn định sản xuất kinh doanh khi lui dịch.
Chính vì thế, câu chuyện lo lương thưởng cho người lao động, đảm bảo tháng lương thứ 13 như thông lệ hàng năm đối với doanh nghiệp cũng là điều không dễ dàng; thậm chí còn là niềm lo lắng của bao chủ doanh nghiệp hiện nay. Cũng đã có không ít cơ quan, nhà máy, xí nghiệp từng phải kêu gọi và vận động sự ủng hộ của người lao động cùng sẻ chia với doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn; thấu hiểu để nỗ lực nhiều hơn và gắng gượng đồng hành cùng doanh nghiệp bước qua giai đoạn thăng trầm của nghịch cảnh.
Thời điểm này đang là giai đoạn “nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm, cân đối nguồn lực để xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, chưa bao giờ việc cân đối nguồn tài chính để thưởng Tết lại khó như năm nay bởi dịch bệnh đã bào mòn dòng tiền, đứt gãy sản xuất, thiếu hụt nhân công.
Những năm trước, vào đầu tháng 12, các báo cáo về thưởng Tết đã được doanh nghiệp gửi về cơ quan chức năng như Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương hay công đoàn các ngành… Nhưng năm nay, việc làm này chậm hơn và dự báo, đến tháng 1/2022 thì các doanh nghiệp mới có báo cáo đầy đủ về hoạt động chăm lo cho người lao động cũng như tình hình lương, thưởng Tết.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, mức thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn. Chỉ một số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021. Trong khi đó, một số ngành nghề như du lịch, vận tải có thể không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp, chỉ để giữ lao động.
Tuy nhiên, mức bình quân chung vẫn là một tháng lương cơ bản. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng hỗ trợ với doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, 8 triệu lao động sẽ được chăm lo Tết từ nguồn kinh phí công đoàn. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với người lao động và là sự san sẻ nỗi lo, gánh nặng cho biết bao doanh nghiệp.
- TP HCM: Mức thưởng Tết Nguyên đán 2022 cao nhất là gần 1,3 tỷ đồng
- Thưởng Tết 2022 có giảm vì dịch Covid-19?
- 'Năm Covid-19 buồn’: Đảo lộn chuyện tiền thưởng Tết
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, năm 2021 doanh thu của công ty giảm khoảng 20% - 30% so với năm 2020. Cũng vì dịch bệnh phức tạp nên các đối tác của công ty có khi hủy, hoãn đơn hàng nên không xuất hàng đi được. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động ở mức 1,5 tháng lương. Hiện công ty đã chuyển trước nửa tháng lương thưởng, tháng lương còn lại sẽ chuyển vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29/3 cho biết, dù đơn vị vừa trải qua một năm đầy khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo mức thưởng Tết cho hơn 4.000 công nhân. Doanh nghiệp đã lên phương án cho mức thưởng là tháng lương thứ 13 hoặc có thể cao hơn năm 2020 từ 10% đến 20%.
Mức thưởng cụ thể sẽ công bố rộng rãi đến công nhân và đảm bảo toàn bộ công nhân được nhận thưởng trước khi về quê ăn Tết. Tài chính doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng lãnh đạo công ty đồng lòng cố gắng. Thưởng Tết là cách giữ chân, tri ân công nhân lao động đã gắn bó với công ty suốt thời gian qua.
Ngọc Quỳnh/TTXVN