'Thương hiệu' báo Văn nghệ: 'Giữ được mình thì rồi sẽ giữ được bạn bè'
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2018 này, báo Văn nghệ sẽ kỷ niệm tròn 70 năm ngày ra số báo đầu tiên. Đang phải vật lộn với những khó khăn, "ngôi đền" văn chương này sẽ phải làm gì để vươn dậy?
- Báo Văn nghệ phát động cuộc thi truyện ngắn năm 2011-2012
- Sống lại hơn 100 truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
- Ra mắt Tuyển truyện ngắn hay báo Văn Nghệ
Báo Văn nghệ là tờ báo đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam. Đầu tiên là Tạp chí Văn nghệ do nhà thơ Chính Hữu làm Thư ký tòa soạn, sau đó chuyển cho các nhà văn làm như Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân…
Nói về thương hiệu báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: Trong 70 năm qua đồng hành cùng với dân tộc, đây là biểu trưng đẹp đẽ cho khía cạnh tâm hồn của người lính, của nhân dân Việt Nam, của các văn nghệ sĩ Việt Nam đi cùng với biến động to lớn của đất nước.
Tuy vậy trong bước ngoặt của kinh tế thị trường, tờ báo Văn nghệ gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, Văn nghệ vẫn có mặt mạnh, vẫn là cơ quan văn học mực thước, chuẩn mực thu hút nhiều tài năng trẻ.
Ông khẳng định, Hội Nhà văn Việt Nam đang tập trung cố gắng giúp đỡ BBT kiện toàn để đưa báo Văn nghệ trở lại thời hoàng kim của nó. Cụ thể, trước nhất là kiện toàn bộ máy. Hai là phong cách làm việc của tờ báo: làm thế nào để thu hút tài năng, làm thế nào để có tác phẩm hay nhất vì phong cách làm việc rất quan trọng. Thêm nữa là tạo cơ sở vật chất cho tờ báo, bởi vì tờ báo bây giờ sống với thị trường.
"Tôi nghĩ rằng nội dung, tư tưởng, giá trị của tờ báo sẽ quyết định sự sống còn của tờ báo, đồng thời nâng cao giá trị nghệ thuật lên thì bạn đọc sẽ đến, sẽ trở lại và đó là vấn đề quan trọng nhất để giải quyết vấn đề tài chính" – ông nói.
Đứng mũi chịu sào báo Văn nghệ mấy năm qua là nhà văn Khuất Quang Thụy. Ông chia sẻ: Cuộc chiến chống lại sự trôi trượt về chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực văn chương và tư tưởng là vô cùng khốc liệt trước sự cám dỗ của thị trường. Chúng tôi thường nói với nhau “mình có thể thua trên thị trường (giảm số lượng phát hành), nhưng không được thua trong cuộc chiến đấu bảo vệ chuẩn mực văn chương, chuẩn mực văn hóa và tư tưởng của tờ báo".
Ông tâm sự, tờ báo của chúng tôi đã từng có một thời vàng son khi số lượng phát hành lên tới hàng chục vạn bản. Nhưng ngay cả trong thời buổi đó, báo Văn nghệ không phải thu hút được bạn đọc vì vị thế "độc tôn" về văn học mà vì những tư tưởng tiên phong, đổi mới về tư tưởng, sự nhạy bén, sâu sát về tư duy xã hội và cố nhiên vì chuẩn mực văn chương cao.
Thế hệ những người làm báo Văn nghệ hôm nay vẫn tự hào về thời vàng son đó nhưng cũng không thối chí trước những khố khăn thử thách của ngày hôm nay. Giữ được cây xanh thì sẽ còn củi đốt. Giữ được mình thì rồi sẽ giữ được bạn bè. Những bạn đọc thủy chung của báo Văn nghệ đến hôm nay vẫn chưa rời bỏ chúng tôi. Vì họ mà chúng tôi chấp nhận mọi gian nan, thử thách.
Huy Thông - PV
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất