'Thượng đế' bị chửi
(Thethaovanhoa.vn) - Kênh truyền hình CNN vừa phát một phóng sự về quán "bún chửi" ở phố Ngô Sĩ Liên - Hà Nội. Đây là quán bún "nổi tiếng" ở Hà Nội về sự phục vụ tệ hại và ngôn từ chợ búa của chủ quán. Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của Nhà báo Trương Anh Ngọc viết năm 2006, cách đây 10 năm trên blog yahoo 360 về quán này.
Nói như Anh Ngọc: "Sau 10 năm, cái văn hóa phục vụ kiểu đó không hề thay đổi, mà có khi còn tệ đi. Tôi cảm thấy rất buồn, vì văn hóa Hà Nội ngày càng tệ đi, và dường như được cổ súy cho phát triển theo hướng tiêu cực, bởi vì người tiêu dùng quá dễ dãi và quá thiếu tự trọng":"Nghe tiếng cái quán bún sườn chửi này trong chợ Ngô Sĩ Liên lâu lắm rồi, giờ mới có dịp qua. Vợ tôi giới thiệu đấy là một trong những nơi đáng đến nhất ở Hà thành này. Các bà các cô thì vốn tính đanh đá và hay sẵng giọng rồi, nên cái chuyện chửi hay bị chửi chẳng là gì đối với họ.
Hình ảnh bà chủ quán bún trên kênh CNN
Cái mà họ cần chính là ăn bát bún ngon, nhiều sườn nhiều thịt, nước chan cũng thật là tuyệt vời. Nên chẳng may có bị bà chủ quán có cái mặt hơi choắt và cô con gái to béo của bà chửi thì cũng chẳng bị làm sao, nếu có chửi mình thì lúc ấy cố mà chịu, ra đến đường nhìn trước nhìn sau không có ai, nhổ một bãi nước bọt xuống đường cho bõ tức (ấy chết, mất vệ sinh đô thị lắm). Cái chính là ăn ngon, và điều này thì các bà các cô có thể tha thứ hết. Đấy, chết vì miếng ăn…
Nhưng tôi là một kẻ tò mò và cũng hay gây sự, thế nên tôi muốn đến đó để xem bà ấy chửi thế nào, nếu không chửi mình thì chắc là phải chửi người khác. Xã hội bây giờ nó thế đấy, cái tục và cái thanh luôn đi cùng với nhau, cũng như rác rưởi và châu báu luôn ngồi cùng chỗ, ăn được miếng ngon đâm ra lại bị chửi. Hình như đó là 2 vế của cuộc sống bây giờ thì phải. Nhìn thấy người khác sướng, không chịu được cũng chửi. Nhìn thấy người khác khổ, trong lòng mình sướng, không chịu được lại càng chửi. Chửi vì ghét, vì yêu, chửi vì bất mãn, chửi vì…thích chửi, nghĩa là chẳng vì lí do gì hết.
Sự giàu sang và phân hoá trong xã hội càng sinh ra nhiều stress, nhiều hờn ghen và ghét bỏ, và đi cùng với nó là sự gia tăng của hàm lượng ngôn từ tục tĩu trong cuộc sống này như một thứ gia vị không thể thiếu kèm theo để xả hết những bực bội trong lòng.
Tôi ngồi vào trong cái quán nhỏ xíu, giấy ăn với xương sườn cái gặm hết, cái gặm dở vứt lung tung dưới gầm bàn. Ừ, bẩn thật đấy nhưng chắc là ngon. Nhìn xung quanh thấy ngay ai cũng có cảm giác tương tự: quán bẩn, chật chội, đông người, bàn ghế xập xệ, nhưng tất cả đều có thể được bỏ qua bởi 2 điểm: 1) người ta muốn được ăn ngon, 2) người ta muốn xem chửi (người khác bị chửi). 10 phút trôi qua, chúng tôi vẫn không được ăn. Quái nhỉ, mình đã gọi 2 bát chan rồi cơ mà? Định gào tướng lên gọi lại “2 sườn chan” (khổ thân tiếng Việt, đến quán ăn rồi còn bị làm thịt), nhưng vợ nhắc: “Nhắc nó nó lại chửi cho đấy, thôi nhịn đi”. Đành im vậy, nhưng hơi ức rồi. Mình là Thượng đế cơ mà!
Lại thêm 5 phút đợi nữa, cái con bé bưng bê lại bưng 2 bát cho đôi vợ chồng đến sau mình mới tức, thế là định nhổm dậy. Vợ nhắc: “Chịu khó nhịn một tí, nó không thích mình nhắc đâu”. Bố khỉ, mình làm gì sai cơ chứ? Mình chỉ muốn ăn, và chỉ thế thôi cũng không được sao. Thêm 5 phút nữa, thế thì quá lắm rồi! Lại nhổm dậy, nghĩ: “Merde, thế này thì Thượng đế về đây!”. Vợ lại nhắc: “Bây giờ mình bỏ về là nó lại càng chửi”. Ô hay, thế thì mình là con tin của bà bán bún sườn sao? Mình muốn ăn, nó không cho mình ăn. Mình bực muốn đi về, nó lại còn chửi mình!May mà cái viễn cảnh tồi tệ ấy không xảy ra, vì tôi không bị chửi nữa, nghĩa là chịu khó ngồi đó ngáp dăm ba cái, đợi cô bưng bê mặt nặng như chì đưa đến 2 cái bát sóng sánh bốc khói, và tự nhủ, thôi, kệ quách sự đời, cứ ăn đi đã. Của đáng tội, bún sườn của bà này ngon, không đắt và mình chấm điểm 8, nhưng ngay sau đấy mình sẽ trừ đi 3 điểm, bởi vừa ăn xong ra cửa thấy ngay những người vừa phục vụ Thượng đế vừa ca một bài quen thuộc của họ: chửi. Chẳng biết ai là đích ngắm của họ, nhưng tôi bỗng nhiên chẳng còn thấy ngon, tự nhủ: “Sẽ chẳng bao giờ ta đến đây lần nữa”.
Tôi tin là chẳng có mấy người nghĩ như tôi. Nếu cái quán ấy không gắn với chửi, có lẽ nó chẳng đông khách như thế. Mà ở Hà Nội này, hình như cái gì liên quan đến chửi đều đông khách. Quán cháo chửi của một bà già lắm mồm trên đường Lý Quốc Sư lúc nào cũng đầy nam thanh nữ tú, và trong khi họ ăn những thứ ngon lành của bà ấy bán, họ sẽ nghe bà ấy chửi. Điều đáng buồn là hình như người ta đang lãng mạn hoá những sự thô tục ấy, và gắn nó như một đặc tính đáng chú ý với những cái quán khác, gán chất văn hoá vào đó và cứ nghĩ rằng đấy là một cái gì đó hay ho.
Tôi là người tự trọng và có học, tôi rất ngạc nhiên và chẳng thích thú chút nào khi thấy những nam thanh nữ tú kia vừa ăn vừa tùm tỉm cười nghe bà ấy chửi, cho rằng đó là một thứ bình thường ở cuộc sống này.
Chính sự thô tục, khi được bình thựờng hoá, và được người ta lẳng lặng chấp nhận như một thứ của lạ trên đời này để câu khách, được lăng xê lên thành một thứ đặc tính văn hoá để gắn với một cái quán như thế kia (cháo chửi, bún sườn chửi) đã ngày càng làm cho cuộc sống trở nên bẩn thỉu hơn. Tôi chưa bị họ chửi bao giờ, nhưng tôi không thích bị chửi và rồi cũng như những người khác, tặc lưỡi rằng, chẳng việc gì phải quan trọng hóa vấn đề, quan trọng là mình được ăn ngon, có gì mà phải thắc mắc cho mệt người? Tôi bỏ tiền ra để được phục vụ một cách tốt nhất có thể, chứ không phải để mua những thứ nặng nề vào người.Tôi đi đủ nhiều để hiểu là ở Hà Nội này, văn hoá phục vụ hầu như bằng zero. Người ta không thể phát triển được nếu không phát triển dịch vụ và đi kèm với nó là văn hoá phục vụ. Nhưng ở đây, người ta chỉ nghĩ đến việc thu nhiều tiền nhất với ít công sức và văn hoá nhất thì phải. Dĩ nhiên, chẳng phải chỗ nào Thượng Đế cũng bị chửi như ở cái quán bún sườn chửi kia, nhưng khi người ta phục vụ mình một cách trịch thượng và bất lịch sự, cũng không khác gì họ đang chửi mình".