Thước đo từ... rác
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội vừa có những ngày ngập trong rác thải. Liên tục, trên các mặt báo và không gian mạng, chúng ta bắt gặp những hình ảnh cập nhật về hàng loạt núi rác ùn ứ ngập ngụa, bốc mùi hôi thối và bắt đầu chảy nước tại các điểm đổ rác nội thành.
Mọi thứ được bắt đầu từ gần một tuần trước, khi các xe thu gom rác từ nội thành không thể vào xả thải tại khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) vì bị các hộ dân nơi đây chặn đường. Như lời họ, đó là hệ quả từ sự bức xúc khi nhiều năm qua, chính quyền địa phương chậm giải phóng, đền bù, di dời người dân trong vùng ảnh hưởng ra ngoài.
Tất nhiên, khi những đống rác ngập ngụa ấy cứ cao thêm mỗi ngày, không phải ai cũng tán thành cách phản ứng của người dân Nam Sơn. Và, trên không gian mạng cũng đã có không ít lời chỉ trích về việc các hộ dân này đang gây ảnh hưởng chung cho vệ sinh của toàn thành phố.
Còn câu trả lời của những hộ dân tại Nam Sơn cũng khá ngắn gọn và đơn giản trên mặt báo: “Nội thành 3 ngày không chịu được rác, vậy mà chúng tôi đã phải chịu đựng hơn 20 năm nay”.
Nếu thêm vài ngày nữa, theo một số chuyên gia, Hà Nội sẽ rối loạn vì lượng rác quá lớn đang ùn ứ này. May mắn, đến ngày 14/1 vừa qua, câu chuyện ấy cũng đã bắt đầu có hướng ra: sau cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố, người dân Nam Sơn đồng ý tháo dỡ lều bạt, mở đường cho các xe rác vào xả thải.
Người viết chưa muốn bàn tới chuyện đúng - sai trong cách phản ứng của những người dân tại Nam Sơn. Nhưng, nếu không có chuyện Hà Nội vừa bị rác “bao vây”, có lẽ chúng ta cũng chẳng mấy khi để ý đến khái niệm “xử lý rác” trong cuộc sống hàng ngày.
Vứt rác thải vào sọt, đổ vào thùng rác chung của từng khu nhà - gia đình nào mà chẳng có câu chuyện ấy mỗi ngày. Trường hợp không có thùng rác chung, một “công đoạn” khác được phát sinh: mang rác ra bãi rác chung và đổ. Vậy là xong. Còn lại, hành trình tiếp tục của rác, cũng như những công đoạn tiếp theo để xử lý nó, chúng ta ít khi chú tâm. Bởi về bản chất, rác là những thứ bỏ đi và không còn hữu dụng trong cuộc sống. Thậm chí, chính từ bản chất “bỏ đi” ấy, chúng ta cũng luôn có xu hướng gắn kèm khái niệm này những gì thấp kém nhất mà mình bắt gặp.
Nhưng rác không sinh ra và cũng không thể tự nhiên mất đi. Bạn xả rác mỗi ngày trong sinh hoạt, còn ai sẽ giúp bạn làm cái kết quả tất yếu: giải quyết những thứ bẩn thỉu và không còn hữu dụng?
***
Tôi tin, nếu có điều kiện, không ai muốn sống, dù chỉ một ngày, bên cạnh một bãi rác khổng lồ như các hộ dân tại Nam Sơn.
Cũng giống như trong cuộc đời, khi nuôi dưỡng những ước mơ trong tương lai, không ai muốn mình, hoặc con cháu mình, sẽ trở thành người công nhân quét rác. Bởi trong tận cùng suy nghĩ, ai cũng hiểu đó là một công việc vất vả và đầy độc hại.
Chắc chắn, những người trực tiếp làm công việc xử lý rác mỗi ngày cần được đối đãi bằng một cơ chế đặc biệt. Cũng như, khi phải sống bên cạnh núi rác, những người dân cần được sự hỗ trợ để có một điều kiện sống tốt hơn. Nếu chúng ta có lúc nào chưa làm tốt được điều ấy, đó chỉ có thể là những lý do về điều kiện kinh tế chung của toàn xã hội.
Bởi thế, nói chuyện hạn chế xả rác để bảo vệ môi trường có thể là một khái niệm khá xa xôi với nhiều người. Nhưng, khi ý thức rằng đó là thước đo về sự cần thiết phải sẻ chia và hỗ trợ những con người cụ thể, biết đâu câu chuyện sẽ chạm tới ý thức của chúng ta một cách trực tiếp hơn?
Sơn Tùng