Thực hư chuyện bia cổ được 'làm sạch' để... đón danh hiệu
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ giới nghiên cứu cho biết: để chuẩn bị cho lễ đón nhận danh hiệu "Bảo vật quốc gia" (diễn ra vào hôm 18/4), Sùng Thiện Diên Linh – tấm bia đá vài trăm tuổi - đã được "làm sạch" và ảnh hưởng tới bài bi ký trên bia.
Cụ thể, điều này xuất phát từ sự "nhiệt tình" của địa phương, khi cho làm vệ sinh tấm bia để nhân dân chiêm ngưỡng trong ngày đón nhận danh hiệu. Việc làm sạch rêu, mốc trên mặt bia được thợ địa phương thi công bằng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào kim loại... Kết quả: cùng với việc được "làm sạch", trên bề mặt bia Sùng Thiện Diên Linh xuất hiện thêm nhiều vết xước nghiêm trọng.
Cao gần 3m, rộng 1,4m, bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng từ thời Lý với kĩ thuật chạm khắc đặc biệt tinh xảo và đặt tại chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Đặc biệt, trên bia đá có khắc bài bi ký dài gần 4300 chữ của thượng thư Nguyễn Công Bật, cung cấp nhiều thông tin đặc biệt quan trọng về Phật giáo cũng như đời sống văn hóa xã hội thời Lý. Ngoài ra, trên bia có khắc cả thủ bút của vua Lý Nhân Tông khi bia hoàn thành.
Một số vết xước được cho là mới xuất hiện trên mặt bia Sùng Thiện Diên Linh
Trao đổi với báo giới, ông Trần Công Hùng (Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nam), khẳng định: "Các vết xước trên tấm bia cổ này là do lịch sử để lại, trong đó nhiều dòng chữ đã bị mất từ trước. Bởi, bia Sùng Thiện Diên Linh từng bị phá hỏng trong thời thuộc Minh, sau đó được dựng lại thời nhà Mạc". Cũng theo lời ông Hùng, các cán bộ văn hóa huyện Duy Tiên (nơi đặt bia) luôn được yêu cầu phối hợp cùng nhà chùa bảo vệ bia đá rất cẩn thận và nếu làm vệ sinh cũng chỉ dùng khăn ướt.
Trả lời Thể thao & Văn hóa, bà Trịnh Thị Hằng (Chánh văn phòng UBND huyện Duy Tiên) cho biết thêm: "Quả thật, các anh em được giao việc làm vệ sinh cho bia thiếu kinh nghiệm nên có để lại một số vết trên bề mặt. Nhưng, những vết xước này là không nhiều, và nói rằng chúng tôi... bào mòn mặt bia là hơi quá lời".
Sự thực, với một tấm bia đã tồn tại trong vài trăm năm như Sùng Thiện Diên Linh, việc phân định thật rạch ròi các vết xước "mới" và "cũ" rất phức tạp - nếu không nói là bất khả thi. Tuy nhiên, ở góc độ lý thuyết, việc "làm vệ sinh" cho mặt bia là điều gần như không được giới chuyên gia tán đồng.
"Nguyên tắc chúng tôi thường xuyên tuân thủ là để nguyên hiện trạng. Bởi, việc nghiên cứu nội dung trên các mặt bia cổ là công việc đòi hỏi chuyên môn của ngành khảo cổ lẫn Hán Nôm, và đôi khi là của các chuyên gia kỹ thuật nữa" - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện khảo cổ VN) cho biết -"Nhiều trường hợp, các vết xước, trầy từng có trên bia cũng phải được giữ nguyên, vì có thể liên quan tới chuyện đục bỏ, xóa tên trên văn bia, như đã từng xảy ra trong lịch sử".
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa