Thuận Yến - nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất về Bác Hồ
Với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục “Có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất”. Các ca khúc ấy ghi lại những kỷ niệm quý báu của nhạc sĩ về vị lãnh tụ kính yêu, khiến trái tim bao thế hệ người Việt Nam xúc động.
Tối 18/5 chương trình nghệ thuật kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh nhật Bác đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Trong 20 tiết mục của đêm diễn đã có tới 2 tác phẩm của Nhạc sĩ Thuận Yến. Phải chăng các nhà tổ chức đã quá... thiên vị ông trong khi không ít các nhạc sĩ có tác phẩm viết về Bác?
Chắn hẳn là không, bởi chưa dám xem xét rộng, tôi chỉ lần lại những nhạc sĩ quen biết ở Đài Tiếng nói Việt Nam cùng thời công tác với nhạc sĩ Thuận Yến, thì hầu như ai cũng đã viết về Bác, và đều được công chúng mến mộ, như Phạm Tuyên (Như có Bác trong ngày vui đại thắng), Cao Việt Bách (Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác), Văn Dung (Những bông hoa trong vườn Bác), Trần Chung (Đêm Trường Sơn nhớ Bác), riêng Thuận Yến thì có tới 26 bài hát viết về Bác.
Và trong 5 ca khúc tiêu biểu của Thuận Yến được giải thưởng Nhà nước năm 2001 thì đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là Bác Hồ - một tình yêu bao la và Miền Trung nhớ Bác.
“Vì sao Thuận Yến có được nhiều bài hát hay về Bác?”
Quả thực công tác với nhau hàng chục năm nhưng đây là lần đầu tôi nghĩ đến câu hỏi này! Và thế là chúng tôi lại gặp nhau như những ngày cùng đi về từng vùng miền của đất nước để tìm những giọng hát hay... Ông bạn nhạc sĩ già Thuận Yến bồi hồi kể: “Có lẽ so với các nhạc sĩ khác thì tôi là người có cái may mắn đặc biệt, được hát cho Bác nghe, được nhận phần thưởng từ bàn tay ấm áp của Bác, được nghe Bác dặn dò... khi Đoàn Văn công Quân khu Trị Thiên chúng tôi từ chiến trường ra Hà Nội trong những ngày chiến tranh gian khổ.
Nhạc sĩ Thuận YếnĐược ra Bắc, có cái gì tốt, cái gì còn dùng được thì để lại chiến trường cho đồng đội. Cho nên về đến Hà Nội đã 2 tuần mà một số anh em nhà gần không dám về thăm quê. Biết được chuyện ấy, Bác đã yêu cầu trang bị ngay cho chúng tôi những gì mà chúng tôi được cấp phát. Và thật xúc động khi được vào biểu diễn để Bác xem. Tôi nhớ như in hôm ấy Bác đã nói với chúng tôi: "Các cháu nhớ về nói với đồng bào Trị Thiên, đồng bào miền Nam, Bác rất muốn vào thăm đồng bào, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép, khi đất nước hoà bình Bác sẽ vào ngay Huế để thăm lại đồng bào đồng chí...
Tuy Bác không nói hết nhưng chúng tôi hiểu Bác rất nhớ về một vùng đất đã gắn liền với thời thơ ấu của Người! Chúng tôi trở lại chiến trường với những kỷ niệm, hình ảnh và lời căn dặn không thể nào quên của Bác”. Đó là niềm tin và tình yêu vô bờ bến với Người.
Thế rồi đúng vào thời điểm ác liệt nhất, mùa Xuân năm 1968, sau Mậu Thân chồng chất khó khăn, tôi đã đọc được bức thư ngắn gọn 7 điểm Bác căn dặn đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Ngay đêm đó dưới hầm sâu, được sự động viên của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tôi đã sáng tác bài “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”. Đó là niềm tin đánh tan hết giặc sẽ đón Bác về thăm quê. Bài hát gửi ra Đài Tiếng Nói Việt Nam được ca sĩ Tuyết Thanh trình bày rất thành công đã góp phần động viên đồng bào chiến sĩ miền Nam vượt lên gian khổ xốc tới.
Nếu tính bài hát đầu tiên Thuận Yến viết về Bác năm 1968 thì bài hát “Miền Nam trong tim Bác” viết 1998 vừa 30 năm chẵn và năm 2008 đã tròn 40 năm... Khoảng lặng từ 1998 đến nay, 10 năm làm cho tôi nhớ đến điều mà anh tâm sự: Tôi được gặp Bác, tôi viết về Bác khá sớm nhưng phải 11 năm sau, sau khi Bác mất 10 năm - năm 1979 mới viết tiếp thành công bài Bác Hồ một tình yêu bao la.
Bác Hồ - một lãnh tụ lớn, khi viết về Người ai cũng sử dụng giai điệu trang trọng, cung kính. Nhưng tôi vẫn muốn viết Bác với một cách diễn đạt gần gũi, tình cảm hơn , đời thường hơn, nên tôi đã mạnh dạn sử dụng nhịp 6/8... Và đúng như mong muốn của anh, giai điệu ấy đã thực sự đi vào lòng quần chúng thật tự nhiên như những bài dân ca vốn đã quen thuộc bao đời. Sức sống của một bài hát có lẽ không phải là ở vị trí in trong các tuyển tập và các album phát hành nhân các ngày kỷ niệm, mà có lẽ có một thước đo dân dã - thị trường băng đĩa nhạc “trôi nổi”. Những ca khúc cách mạng của Thuận Yến có thể tìm thấy ở đây rất nhiều.
Và cũng rất quen thuộc với cư dân mạng, ai đã từng vào các trang web về âm nhạc đều dễ dàng tìm thấy các bài hát về Bác Hồ của Thuận Yến: Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình...
Nhạc sĩ Thuận Yến và NSND Thanh HoaCó những điều mà ngay cả tác giả cũng chưa thể nghĩ tới. Tôi nhớ, có một buổi văn nghệ nhân kỳ họp Quốc hội, có một đại biểu nữ ở huyện Hướng Hoá - Quảng Trị đã lên trình bày bài hát: Người được mang họ Hồ bằng tiếng Vân Kiều. Hôm ấy, nhạc sĩ Thuận Yến cũng có mặt và có lẽ anh là người bất ngờ nhất! Tôi hỏi anh, những bài hát của anh đã qua 40 năm, nhiều thế hệ ca sĩ đã hát, trẻ có, già có nhưng ai là người thể hiện ca khúc về Bác của anh được anh “bằng lòng nhất“. Nhạc sĩ không ngần ngại trả lời: NSND Thanh Hoa. “Có thể nói Thanh Hoa đã đạt được đỉnh cao trong việc thể hiện những tác phẩm về Bác của tôi, đặc biệt là Bác Hồ một tình yêu bao la”.
NSND Thanh Hoa chính là người thể hiện thành công những ca khúc về Bác Hồ của NS Thuận Yến. Tôi nhớ đã nhiều năm Bác Hồ một tình yêu bao la với giọng hát Thanh Hoa đã là một trong những bài hát được phát theo yêu cầu của bạn nghe đài nhiều nhất. Nếu như NSND Thanh Hoa thành công với Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình thì NSND Thu Hiền lại được mến mộ qua Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê.
Theo dấu bước chân Người, đi tìm nguồn cảm hứng
Thuận Yến sáng tác trải dài theo Đất nước! Từ biên giới phía Bắc đầu nguồn sông Hồng đến “đi trong hương tràm” miền Tây, đất mũi... Nhưng thực tế chiến trường Trị Thiên và miền Trung quê anh luôn luôn thôi thúc, đòi hỏi anh phải có những tác phẩm xuất phát từ tình cảm máu thịt ấy! Đề tài về Bác Hồ cũng vậy, đó là lý do ra đời của Miền Trung nhớ Bác.
Anh đã lần theo tác phẩm Búp sen xanh của Nhà văn Sơn Tùng để đi lại quãng đường Bác đã đi suốt dọc miền Trung trước khi đến bến cảng Sài Gòn để tìm đường cứu nước.
Từ Huế nơi Bác học trường Quốc học, rồi vượt qua Quảng Nam đến Bình Khê thăm người cha làm tri huyện... Thuận Yến thốt lên: Trời Bình Khê xanh trong bát ngát, lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha, chia sẻ ngọt bùi trước lúc đi xa...
Sau 5 ngày dừng lại ở Trường Dục Thanh Phan Thiết, Thuận Yến viết xong Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương... đó cũng là thông điệp chính cuối cùng trong Miền Trung nhớ Bác. Thuận Yến đã nói được những gì mà người dân miền Trung vẫn đau đáu...
Khi nói về những sáng tác của Thuận Yến, có lẽ một trong những người sát nhất với quá trình sáng tác của anh là nhạc sĩ Trần Hoàn. Người thủ trưởng, người bạn, người anh ấy sau khi nhận xét Thuận Yến thành công nhiều mặt về âm nhạc tâm sự: “Tôi gặp Thuận Yến ở chỗ cả hai đều mong muốn tìm cách khai thác và viết về đề tài Bác Hồ. Nếu như những bài hát của tôi còn có lúc đượm chất triết lý, hay dung dị trong những câu chuyện kể thì Thuận Yến đã đi vào một khía cạnh khác mộc mạc mà thắm thiết, tạo nhiều cảm xúc sâu lắng.
Không thể nào quên Thanh Hoa với Bác Hồ một tình yêu bao la:
“Bác thương những cụ già, xuân về gửi biếu lụa
Bác yêu đàn cháu nhỏ: Trung thu gửi cho quà
Bác thương Đoàn Dân công đêm nay ngủ ngoài rừng
Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương”
Những câu hát ấy đã khiến bao người rơi lệ. Và hình như tuổi càng về già, ngòi bút của Thuận Yến càng trở nên trữ tình và đậm đà. Phải chăng đó là kết quả của sự say mê với âm nhạc, cả vốn sống thực tiễn phong phú, của tình thương nồng nàn với lãnh tụ, với bạn bè, với người lính...
Nhạc sỹ Văn Dung khi nói về sự nghiệp âm nhạc của Thuận Yến đã dùng chữ “đặc biệt” - bởi ông đã có một số lượng lớn ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Qua những ca khúc về đề tài này, quần chúng đã đón nhận âm nhạc của Thuận Yến như chính suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của chính mình. Họ hát trên đường hành quân, ngoài hải đảo, trên biên giới, trong nhà máy và trên công trường. Tôi nghĩ đó là sự đánh giá đúng đắn và chân thành là niềm vui, hạnh phúc của người sáng tạo nghệ thuật: Nhạc sĩ, nghệ sĩ, chiến sĩ Thuận Yến.
Theo Nguyễn Lương Phán
BQL Lăng Chủ tịch HCM