Thư Trường Sa: Máu ở Trường Sa vẫn thấm lòng biển mặn...
(Thethaovanhoa.vn) - Ẩn mình dưới những rặng dừa xanh, những cây phong ba hiên ngang trên đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là những ngôi mộ liệt sĩ đơn sơ, trong đó có liệt sĩ vừa hy sinh tháng 2/2014.
1. Vâng. Giữa thời bình nhưng vẫn có những hy sinh. Máu ở Trường Sa vẫn chảy thấm vào lòng biển mặn...
Khi tàu HQ 571 đưa chúng tôi đến đảo Nam Yết, trời nổi giông bất thường. Mưa rào rào giữa trời đang nắng gắt, khiến nhiều thành viên trên tàu đợi xuồng vội chạy về phòng mặc áo mưa. Nhưng chỉ độ mươi phút sau, trời bỗng tạnh. Sau “cơn mưa bất chợt”, bầu trời dịu hơn, trong xanh hơn...
Từ cầu tàu vào đảo, xuồng chúng tôi phải đi qua những ụ chắn sóng. Ở đó, có những con chim hải âu đậu. Thấy người, dường như chim cũng vui, giơ máy ảnh ra chụp, chim vẫn đứng trên ụ như đội tiêu binh chào đón...
Sau lễ chào cờ xúc động dưới cột mốc chủ quyền, Thượng tá Trần Như Hải, đảo trưởng đảo Nam Yết dẫn đoàn chúng tôi đi thăm các công trình trên đảo như: trung tâm văn hóa khang trang, thư viện rộng với hàng ngàn đầu sách, thăm bia đá chủ quyền của Việt Nam được dựng từ năm 1956 cạnh ngôi chùa vừa được trùng tu...
Rồi đoàn công tác chúng tôi lắng lại khi thăm nghĩa trang liệt sĩ nhỏ bên bờ biển. Gọi là nhỏ vì khoảng đất đó chỉ quây quần 5 ngôi mộ mộ đơn sơ. Trên hàng bia viết vội, nét chữ ngay ngắn, chúng tôi đọc được tên tuổi, quê quán của các anh, những chàng trai tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi đã vội hóa thân vào những cồn cát trắng, những cây phong ba hiên ngang trước gió bão, yên nghỉ mãi mãi trong lời ru của lớp lớp sóng biển vỗ bờ...
Không ai bảo ai, mỗi người đều thắp một nén hương thơm tưởng nhớ các anh. Khi đến ngôi mộ mới sơn, đọc tên “binh nhì Nguyễn Hoàng Phương, sinh 24/4/1995, quê Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa vừa hy sinh ngày 14/2/2014 (tức ngày 15/1 năm Giáp Ngọ), nhiều thành viên trong đoàn đã cúi đầu im lặng, trang nghiêm, thành kính. Sóng vỗ to hơn, biển mênh mông hơn...
2. Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Duy Huy, đảo Nam Yết, phụ trách khu nghĩa trang kể: “Vì Tổ quốc còn khó khăn nên các anh nằm lại với đồng đội, với cát và nước Trường Sa khoảng 7 - 8 năm mới được về với gia đình”.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Đăng Tiến, Phó trưởng phòng tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân: Ở quần đảo Trường Sa hiện có khoảng 10 ngôi mộ liệt sĩ. Ngoài Nam Yết, các ngôi mộ nằm rải rác trên các đảo Trường Sa Đông và Trường Sa Lớn. Các ngôi mộ thường được bốc cốt và đưa về đất liền an táng vào dịp 27/7 hàng năm tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Cũng theo Trung úy Nguyễn Duy Huy, Trường Sa bây giờ mặc dù đã đổi khác, cuộc sống đầy đủ và tiện nghi hơn, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là sự bất trắc, hiểm nguy ập lên vai người lính bất cứ lúc nào.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, người lính Trường Sa phải trả bằng mạng sống của mình khi chống chọi với kẻ thù lăm le cướp đảo, khi đau ốm - bệnh tật hiểm nghèo ở những bãi đá, rặng san hô, khi sóng to xuồng lật... Có rất nhiều lý do khiến các anh nằm xuống, nhưng tựu trung đều vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.
3. Rời Nam Yết, qua Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, chúng tôi đến đảo Cô Lin - pháo đài giữa biển. Khí chất anh hùng ca vang lên qua khẩu hiệu “Còn người, còn đảo, còn Tổ quốc” được viết bằng máu trên đảo nhỏ. Với tinh thần kiên trung bất khuất “còn người, còn đảo”, Cô Lin đã được giữ vững sau khi đảo Gạc Ma bị đánh chiếm. Trong trận hải chiến không cân sức năm xưa, nhiều chiến sĩ của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống. Máu thịt của cha anh đã nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc, thấm vào lòng biển quê hương...
10 ngày đặt chân trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi còn được dự những lễ chào cờ. Hai tiếng “Xin thề!” dõng dạc vang lên giữa những hàng quân kết nối muôn con tim, thành sức mạnh Việt Nam được nuôi dưỡng từ ngàn đời. Nhìn những người lính trẻ bình tĩnh, tự tin, chúng tôi càng thêm vững lòng trước sứ mạng cao cả của những chiến sĩ Trường Sa.
Những ngày này, trong tim 90 triệu người dân đất Việt đang hướng về Hoàng Sa, hướng về thêm lục địa của Việt Nam, hướng về các anh - những con rồng Trường Sa, những bức tượng đồng ngày đêm vật lộn với sóng gió biển Đông, ngày đêm ghìm chắc tay súng trấn giữ biên cương với tình yêu đất nước thiêng thiêng. Càng tự hào khi được đứng giữa biển Đông hát lên câu hát ca ngợi chủ quyền: “Biển này là của ta, đảo này của ta”, hát lên câu hát “Trường Sa, không xa” vang xa trên biển Đông vạn dặm...
Những ngôi chùa thuần Việt giữa biển Thăm chùa mới trùng tu trên đảo Sơn Ca. Ảnh Quang Thắng Chẳng biết tự bao giờ trên các đảo ở Trường Sa đã xuất hiện nhiều ngôi chùa và đền miếu để thờ Thần, thờ Phật. Những năm gần đây, Phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu nơi thờ Phật khang trang và vững chãi hơn. Ngoài Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, thì những ngôi chùa tại đảo Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh A... cũng đang được trùng tu khang trang, bề thế theo phong cách truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, tất cả những văn bia, những hoành phi câu đối trên những ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa đều được khắc bằng chữ Việt, đọc lên bằng tiếng Việt thật dễ hiểu, thân thương và gần gũi. |
Thể thao & Văn hóa