Thư SEA Games: Tấm huy chương của sự công bằng
Trên đường phố ở thủ đô Phnom Penh, ngay cả khi ở giờ cao điểm, mọi làn đường kẹt cứng xe cộ thì không có bất cứ sự ồn ào nào khác ngoài tiếng động cơ xe. Những phương tiện tham gia giao thông hầu hết không sử dụng còi xe, điều vốn rất phổ biến ở Hà Nội vào giờ cao điểm.
Người dân ở xứ sở nắng nóng này có xu hướng nhường nhịn nhau trong việc di chuyển trên đường, họ có sự kiên nhẫn đáng khâm phục. Điều mà ở Việt Nam, chúng ta thường gọi là văn hoá giao thông nhưng có thể đối với người Campuchia, đây là điều mà họ được học hỏi trong quá trình đi lại, đó là tôn trọng.
Một lần, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bị lạc đường trong quá trình tìm sân vận động Olympic, nơi đội tuyển bóng đá nam Campuchia thi đấu vòng bảng, khi dừng lại chúng tôi vô tình đứng ở giữa đường mà không nhận ra điều đó. Nhưng thật ngạc nhiên là dù đường khá đông nhưng tài xế ô tô không bấm còi hoặc quát tháo mà vẫn nhẫn nại chờ đến khi chúng tôi di chuyển đi mới tiếp tục hành trình của mình. Điều đó khiến nhóm phóng viên Thông tấn xã chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên và có sự khâm phục đối với những người dân ở đất nước này về ý thức và sự hiền hậu của họ.
Tuân thủ luật hoặc làm theo luật nói chung và luật giao thông đường bộ nói riêng là điều mà chúng ta được giáo dục từ thuở nhỏ nhưng có xu hướng làm khác đi hoặc ngược lại và vì thế luôn xảy ra những tranh chấp hoặc xung đột trong giao thông.
Thể thao cũng giống như cuộc sống, có những luật lệ và qui định yêu cầu tất cả các tổ chức và cá nhân có liên quan tuân thủ nó. Luật trong cuộc sống hay luật trong thể thao cũng đều được thể hiện rõ ràng bằng văn bản và không được phép gây khó hiểu, trừ khi những người thực hiện cố tính hiểu sai luật mà hiển nhiên là điều này cũng luôn xảy ra.
Tất nhiên, tranh cãi là một phần của thể thao và ngay cả khi đã áp dụng những công nghệ hiện đại nhất để khiến những cuộc tranh tài trở nên công bằng và giảm thiểu những sai sót của các trọng tài thì tranh cãi không bao giờ kết thúc.
SEA Games cũng không là ngoại lệ, có lẽ nó không có cơ hội để thi đấu một cách bình thường nhất có thể và là đại hội thể thao duy nhất trên thế giới có nhiều tranh cãi đến mức bị người hâm mộ thể thao Việt Nam ngán ngẩm gán ghép là "giải ao làng".
SEA Games 32 đã xảy ra vài rắc rối liên quan đến tính công bằng đối với các vận động viên và ngày hôm qua, ở nhà thi đấu Chroy Changvar, sau khi kết thúc trận chung kết đối kháng hạng cân 50-55kg Pencak Silat của nữ giữa Hồng Ân và Meilani (Indonesia), bầu không khí trở nên đặc biệt căng thẳng vì phản ứng và khiếu nại của phía Indonesia vì quyết định công nhận chiến thắng cho võ sĩ của chúng ta.
Bên phía Indonesia cho rằng động tác kẹp tay của Hồng Ân vào cuối trận là phạm luật và đòi tước huy chương Vàng của võ sĩ Việt Nam, họ nóng nảy đến mức định xô xát với đoàn Việt Nam nhưng theo luật thi đấu mới được ban hành năm 2022, kể cả đang có số điểm rất cao nhưng khi võ sĩ bị dính đòn bẻ khớp (khóa tay) từ đối phương, võ sĩ đó sẽ bị xử thua ngay lập tức.
Meilani trước khi bị xử thua đang dẫn điểm số là 61-43, và thất bại như vậy là điều rất đáng tiếc. Chúng ta thông cảm với thất bại của võ sĩ Indonesia nhưng bảo vệ chiến thắng của Hồng Ân và bởi cô đã đánh bại đối thủ theo luật của môn Pencak Silat và cũng là bảo vệ tính công bằng và sự đúng đắn của môn thể thao giàu tính thượng võ này.