Thư Qatar: Con đường World Cup sẽ đi qua
Đấy không hề là con đường dài và khúc khuỷu như tiêu đề một bản ballad bất hủ của Beatles, mà nó thẳng tắp. Hơn thế nữa, với mỗi bên có 5 làn rộng thênh thang, và tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, nó là con đường rộng nhất, mới nhất, đắt giá bậc nhất và hoành tráng nhất của đất nước nhỏ bé nhưng giàu có về tiền bạc và tham vọng này.
Nếu Qatar thực sự muốn lấy lòng thế giới nói chung và dân lái xe nói riêng, họ đã thành công. Bởi một người thích ngồi sau vô lăng như tôi đã thích mê nó rồi.
Khai mạc và chung kết cách nhau chưa đầy nửa tiếng
Một buổi chiều nắng rát bỏng gần 40 độ trước ngày khai mạc World Cup, tôi đã phi như bay trên con đường ấy, trong một hành trình dài hơn 20 cây số từ trung tâm thủ đô Doha đến sân Lusail, nơi sẽ diễn ra trận chung kết đến 18/12 và chạy thêm gần 30 cây số nữa trong gần nửa tiếng để đến với Al-Bayt, nơi sẽ diễn ra trận khai mạc tối 20/11. Chưa từng có một World Cup nào mà sân khai mạc và chung kết nằm trên cùng một con đường mới tinh được đầu tư hàng tỷ USD nối giữa 2 sân bóng cũng mọc lên trên sa mạc cát trắng để phục vụ cho World Cup. Nhưng Qatar là thế, vì đất nước này quá nhỏ bé, với 8 sân đăng cai giải đấu, và khoảng cách xa nhất giữa 2 sân bất kỳ cũng chỉ có 75 km, tương đương với chừng 1 tiếng lái xe trên những con đường êm ru và đẹp mê ly này. Cũng chưa từng có một giải đấu lớn nào tầm cỡ thế giới mà 2 sân gần đến thế, cách nhau chưa đầy 30 phút lái xe, dù ai cũng hiểu rằng, để đến được trận chung kết, một đội bóng phải mất nhiều thời gian hơn thế và đã có 6 trận "làm vốn" đầy nhọc nhằn trước đó ở vòng bảng và knock-out.
Lusail, sân vận động mới nhất, đắt tiền nhất, hiện đại nhất, có sức chứa lớn nhất (80 nghìn chỗ) và là nơi sẽ diễn ra trận chung kết, nhìn bên ngoài giống như một cái thuyền đang lướt sóng. Nhưng người Qatar cũng khẳng định thiết kế của nó giống hình của một cái bát hoặc một chiếc thuyền, còn hiệu ứng ánh sáng của nó được lấy cảm hứng từ cây đèn fanar truyền thống của người Bedouin (kiểu như đèn măng xông ở Việt Nam mình). Buổi chiều, khi tôi đến đến đây, ngay cạnh sân, dưới cái nắng chang chang bỏng rát, nó hiện lên sừng sững ở đó, như được dát vàng, toả sáng lung linh. Buổi tối, khi tôi lái xe qua trên con đường cao tốc, Lusail đẹp rực rỡ và đáng yêu vô cùng. Nó nằm trong một khu phức hợp thể thao siêu lớn mà nước chủ nhà Qatar muốn nhân việc World Cup để tạo đà phát triển sau này, nâng cấp họ thành một quốc gia có thể hướng tới việc tổ chức những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, chẳng hạn đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2030.
Hơn 200 tỷ USD đã được chi cho World Cup, hầu hết vào các cơ sở hạ tầng như tạo ra những sân bóng hoàn toàn mới, những con đường cao tốc hoàn toàn mới chạy ngang sa mạc, những công trình làm thay đổi diện mạo của Doha và các vùng phụ cận. Chẳng có gì là thừa thãi cả nếu người ta giàu, nhưng họ không hề giàu xổi mà có những kế hoạch và chiến lược lâu dài đáng học hỏi.
Từ Lusail đến Al Bayt
Những công trình xung quanh Lusail vẫn xây dựng trước ngày trái bóng World Cup lăn. Những người công nhân nhập cư vẫn đang cần mẫn làm nốt những công việc cuối cùng ở các khu phụ trợ ngoài sân, tiếng cười nói rôm rả trong căn nhà tạm. Báo chí phương Tây, nhất là Anh, đã nói rất nhiều về những góc khuất đằng sau công việc, cuộc sống và cả cái chết của họ, nhưng sự thật thế nào có lẽ chỉ có họ và Qatar là tường tận. Những người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến Lusail và các sân khác cho các trận đấu của World Cup có lẽ cũng không quan tâm nhiều đến những điều đó. Tâm điểm của họ là sân cỏ, là trận đấu, là những cảm xúc lớn lao mà trái bóng đem lại. Nhưng những nhà đầu tư và các cá nhân quan tâm đến các dự án bất động sản xung quanh Lusail thì không chỉ chú ý đến trái bóng. Lusail là một dự án siêu lớn được tạo ra trên cát trắng sa mạc, từ không có gì thành một thành phố lớn ngoại ô Doha, với sân Lusail chỉ là một điểm nhấn, bởi quanh đó, nhiều chung cư lớn đang mọc lên, cái đang được xây, cái đang hoàn thiện. Sau World Cup, Lusail sẽ là một đô thị lớn trong tầm nhìn rất xa của Qatar.
Cách đó gần 30 km, sân Al Bayt lại mang một dáng vẻ khác. Lấy cảm hứng từ những chiếc lều du mục trên sa mạc của người Bedouin, tên của sân bóng có 60 nghìn chỗ và sẽ là nơi diễn ra trận đấu giữa chủ nhà Qatar và Ecuador đêm 20/11 này cũng rất đẹp. Nhưng nó không có được sự hoành tráng và lộng lẫy của Lusail, cũng không có những dự án bất động sản quanh đó. Nó cứ như thể đã mọc lên một cách đột ngột giữa sa mạc chỉ sau một đêm, với cả một vùng mênh mông xung quanh không một bóng cây, bóng nhà, dù đúng là Qatar đang cố gắng phủ xanh nơi ấy. Chỉ có nó và con đường rất đẹp nối nó với sân Lusail là chế ngự cả một vùng rộng lớn chỉ có trời xanh ngắt và nóng bỏng, và cát sa mạc.
Sau World Cup, trong khi ở quanh Lusail sẽ biến thành một đô thị lớn, thì ở sân Al Bayt, người ta sẽ gỡ đi những hàng ghế đầu tiên và tặng nó cho những quốc gia đang phát triển. Một phần của sân cũng trở thành khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, khu ăn uống của một đô thị mới. Như thế, nó và các sân bóng khác sẽ có một cuộc sống mới, lâu dài hơn chỉ là cho một tháng của một giải đấu lớn nhất thế giới không biết đến bao giờ mới trở lại.
Tôi cứ nghĩ miên man về những gì mà đất nước nhỏ bé này đã làm khi trở về trên con đường cao tốc từ Al Bayt trở về Lusail, rồi từ đó đi tiếp về Doha. Xa xa kia, bên bờ biển, là khu trung tâm thành phố với những cao ốc lung linh ánh điện và rực rỡ sắc màu. Sau World Cup, ánh sáng ấy sẽ không mất đi. Qatar sẽ vươn lên một vị thế mới. Doha cũng thế, đẹp đẽ và sang trọng. World Cup chỉ qua đây một tháng ngắn ngủi thôi, nhưng chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong rất nhiều người, trong đó có một người lang thang khắp nơi. Đó là tôi…
Anh Ngọc (phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar)