Thư nước Mỹ: Khi đồng tiền đặt vào tay con cái của Chúa
Người phụ nữ bán chiếc đàn piano ở gần nhà tôi bảo bà có hai cái, chỉ bán cái cũ hơn, còn cái mới và tốt hơn bà để tặng cho nhà thờ mà bà vẫn hay đi lễ vào mỗi cuối tuần.
Việc ấy không cá biệt. Cứ 10 người Mỹ theo một tôn giáo bất kỳ lại có hơn 7 người ủng hộ từ thiện thường xuyên cho tổ chức tôn giáo mà họ sinh hoạt, và có hơn 6 người ủng hộ từ thiện ngoài nhà thờ, tức là cho xã hội.
Ở bang Utah, nơi mà tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân hay gia đình và xã hội, hoạt động từ thiện không chỉ đáng kể ở tỷ lệ đầu người mà người ta tính rằng cứ 10 đồng kiếm được thì người dân ở đó lại mang 1 đồng đi làm việc thiện.
Những người dân Mỹ ki bo nhất sống ở bang New Hampshire cũng không đến mức không chia sẻ cho những người thiếu may mắn. Họ chỉ chia ít hơn, với mức kiếm được 10 đồng thì chỉ chia 25 xu (trăm xu mới được một đồng).
Cũng có những thống kê chi tiết theo từng loại tôn giáo khác nhau, để rồi những người theo đạo Mormon được cho là những người làm từ thiện nhiều nhất bởi họ không chỉ được dẫn dắt bởi Kinh thánh (có hẳn quy định phải làm từ thiện) mà đây cũng là cộng đồng có những người giàu có (như gia đình ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2011 Mitt Romney mỗi năm từ thiện hàng trăm ngàn USD).
Nhưng không phải là người Mỹ mang tiền đến các tổ chức từ thiện hay nhà thờ mà họ không băn khoăn là tiền của họ có được sử dụng đúng mục đích và đến được những nơi, những người cần đến hay không. Chỉ có điều, những mặt trái, những chuyện tiêu cực ở các tổ chức tôn giáo được bảo vệ bởi cả những quy định của luật pháp và cả sự kiêng dè tự nhiên.
Như cuộc điều tra của báo Washington Post về các vụ gian lận trộm tiền ở các tổ chức phi lợi nhuận đã không thể tiếp cận được với các báo cáo của các nhà thờ vì theo luật của thuế vụ Mỹ, các nhà thờ được miễn nhiễm hai lần liên quan tới vấn đề tài chính: Lần đầu tiên là miễn thuế, và lần thứ hai là miễn nộp báo cáo hoàn trả hàng năm.
Chẳng hạn, vụ một cha xứ ở nhà thờ thuộc bang Connecticut thụt két 1,3 triệu USD đã được hai nhân viên báo lên tổ chức tôn giáo cấp trên nhưng vụ việc bị ỉm đi, để rồi sau đó họ buộc phải thuê một hãng điều tra tư nhân vào cuộc để đưa vụ việc ra ánh sáng. Và khi cha xứ vào tù thì hai người kia cũng chịu sức ép phải thôi việc.
Và bản thân nhiều người cũng không muốn vụ việc bị công khai tới mức độ ấy dù họ phản đối những gian lận tiền quỹ từ thiện, bởi nó chỉ là một phần của cuộc sống và các hoạt động từ thiện (nhất là cho, ủng hộ) không thể ngừng lại.
Nhưng, ngày càng có những vụ thụt két từ thiện bị phanh phui. Trong năm 2013, có trên chục vụ lợi dụng chức vụ và công việc để “cấu” tiền từ thiện ở các nhà thờ trên toàn nước Mỹ bị khui ra và nhiều người phải đi tù (theo đơn vị tình báo của Hãng An toàn Hội đoàn).
Chính sự bao bọc và che chở tới mức thành bao che ở đây mới dẫn đến tình trạng thụt két tràn lan và những cái giá phải trả ngày một đắt.
Chúc anh chị sức khỏe!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần