Thư nước Mỹ: Hồ sơ bẩn
Thiếu niên da màu Michael Brown nếu không bị cảnh sát bắn chết trên phố thì tương lai của anh có lẽ cũng sẽ trở nên bất định, và sống một cuộc sống bất hảo như hàng ngàn người khác ở thành phố có hai vạn dân như Ferguson, Missouri.
Vì cái tội cướp trong siêu thị sẽ ném Brown vào tù, rồi khi ra tù sẽ không kiếm nổi một công việc cho ra hồn. Các nhà tuyển dụng ở Mỹ chỉ cần qua một vài bước sẽ biết Brown từng ăn cướp, từng ngồi tù. Những cái tiền sự và tiền án ấy sẽ nằm trong hồ sơ (record) của cậu, mãi mãi.
Một xu hướng phổ biến ở Mỹ là chỉ có những người có hồ sơ sạch mới kiếm được việc làm như ý. Còn không thì rửa bát bồi bàn. Ở Ferguson, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% (hơn gấp đôi so với tỷ lệ của toàn nước Mỹ) thì có hai nguyên nhân, một là thiếu kỹ năng, bằng cấp và hai là hồ sơ “bẩn”. Luật bất thành văn này đã và đang dồn khoảng một phần ba người da màu Mỹ tới bước đường cùng hoặc chỉ có thể kiếm được những việc mà thu nhập không thể nào đưa họ vươn lên tầng lớp trung lưu chứ chưa nói tới làm giàu.
Theo số liệu từ FBI, có tới 77,7 triệu người Mỹ từng bị bắt hoặc phạm một tội nào đó. Tức là khoảng 1/3 dân số Mỹ có hồ sơ bẩn nếu chỉ tính người trưởng thành. Trong đó, tỷ lệ người da màu phạm tội nhiều hơn gấp bốn lần so với người da trắng. Ở Washington D.C, tỷ lệ người phạm tội là 1/10 và tỷ lệ tái phạm tội lên tới 50% cũng được cho là vì những người đã từng lỗi lầm thì hiếm khi có cơ hội làm lại.
Cuối tuần trước, trong một chuyến đi tới Philadelphia, thành phố có tỷ lệ người da màu lên tới 44,2% (da trắng chỉ là 36%) trong tổng số hơn 1,5 triệu dân này, tôi gặp một người Mỹ gốc Kenya. Cha mẹ cô là người nhập cư còn cô sinh ra ở Mỹ. Cô buôn “hàng trắng” từng nhận án 5 năm tù, mất quyền nuôi ba đứa con (may có người bảo trợ), mỗi tuần chỉ được thăm con một lần, và dù đã hoàn lương, nhưng chỉ kiếm được chân dọn dẹp ở một tiệm ăn nhanh McDonalds.
Tấm bằng đại học quản lý hành chính mà cô có trong tay nhờ lúc trẻ chưa hư hỏng cũng không giúp cho cô tìm được việc có mức thu nhập khá hơn. Ngay cả xin trông trẻ cũng không xong vì hồ sơ “bẩn” của cô là rào cản quá lớn. Nếu mà sống ở Missouri như Michael Brown, cô thậm chí còn không đủ tiêu chuẩn nhận bất cứ chương trình hỗ trợ người nghèo mang tính cơ bản như trợ cấp thực phẩm, tiền thuê nhà khi chiểu theo luật của bang.
Cả Philadelphia và Missouri đều không nằm trong số ít ỏi (4) các bang đã ban luật cấm truy hỏi quá khứ “đã từng phạm tội hay chưa” trong những bản hồ sơ xin việc. Ở nhiều bang, các cuộc vận động hành lang cho sự ra đời của đạo luật ấy đang được thúc đẩy như ở bang Illinois hay Thủ đô Washington D.C, nhưng vẫn chưa thành. Những người phản đối lập luận rằng nếu cấm hỏi về quá khứ tội phạm liệu có làm tăng tỷ lệ tội phạm hay không và các nhà tuyển dụng có rủi ro quá không khi họ có quyền được biết. Nước Mỹ không thể trở thành thiên đường cho tội phạm.
Chúc anh chị sức khỏe. Sẽ hầu anh chị chuyện mới ở thư sau.
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần