Thủ môn Nguyễn Huỳnh Quốc Cường (ĐT.Long An): Đời lăn như trái bóng
(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng thành trong màu áo ĐT.Long An, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất V-League, nhưng phải đợi hơn 10 năm sau, Quốc Cường mới có danh hiệu đầu đời… ở xứ Nghệ.
Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Quốc Cường không được suôn sẻ như những thủ thành tài danh khác, mà Quốc Cường phải trải qua thêm nhiều phen lận đận để chứng tỏ mình.
Sinh năm 1982, Quốc Cường đến với bóng đá theo cách rất tình cờ. Là thủ môn số 1 đội bóng huyện Mộc Hóa (vùng biên giới Long An), tài năng của anh chỉ được biết đến ở những giải đấu trong tỉnh.
11 năm chinh phục chức VĐQG
Năm 18 tuổi, sự nghiệp Cường bất ngờ sang trang khi anh đến Bến Lức học nghề sửa chữa điện tử. Khi đó, một bạn đồng lứa khác trong đội bóng huyện Mộc Hóa của Cường trong lần thử việc ở đội Long An bất ngờ được chọn. Nghĩ mình cũng có tài năng không kém bạn, Quốc Cường đăng ký thi và đậu luôn. Khi đó, Cường chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu thi đậu, mình sẽ khỏi phải lo chuyện công việc sau học hành. Được vào đội Long An mà 1 năm sau có Tập đoàn Đồng Tâm tiếp quản, Quốc Cường sẽ được vào làm nhân viên bình thường.
Quốc Cường không ngờ rằng niềm đam mê với quả bóng đã xô đẩy anh đến những bến bờ không hẹn trước. Dù rất có tài năng, nhưng trình độ của Quốc Cường không được thừa nhận ở Bến Lức.
Trong thời hưng thịnh của “Gạch” từ năm 2002 đến năm 2006, vị trí thủ môn gần như được mặc định cho Phan Văn Santos. Từ thời HLV Henrique Calisto cho đến thời HLV Huỳnh Ngọc San, vị trí của thủ thành gốc Brazil là không thể thay thế.
Quốc Cường vì thế chỉ được biết đến ở sân chơi hạng Nhất. Sau khi Đồng Tâm bán suất chơi hạng Nhất cho Ninh Bình năm 2007, thủ thành sinh năm 1982 này bắt đầu hành trình phiêu bạt trên đất Bắc.
Nhưng khi Ninh Bình bắt đầu lên chơi ở V-League từ năm 2010, Quốc Cường bị cái bóng quá lớn của Đinh Hoàng La bao phủ. Để tìm chỗ đứng cho mình, Quốc Cường thêm một lần phải chấp nhận rời CLB.
Bến đỗ mới của thủ môn gốc Mộc Hóa là SLNA, mảnh đất đầy tài năng trẻ và hiếm có cầu thủ xa xứ thành danh tại đây. Xa nhà, lại chọn SLNA làm nơi đầu quân, nhiều người đã nghĩ Quốc Cường không bình thường khi chui vào “tổ kiến lửa”.
Thủ môn Quốc Cường vui đùa với con trai lúc tạm xa trái bóng. Ảnh: Anh Tuấn
Nhưng Quốc Cường đã chứng minh anh không hề sai lầm, và SLNA trở thành điểm dừng lý tưởng và hạnh phúc nhất của Cường. Ở tuổi 28, sau 10 năm theo đuổi sự nghiệp bóng banh mới được hít thở bầu không khí V-League, Quốc Cường chỉ là thủ thành dự bị của Michal (thủ thành ngoại quốc) ở mùa 2010.
Nhưng với khao khát thể hiện, Quốc Cường đã thuyết phục được HLV Hữu Thắng trao cho anh vị trí thủ môn số 1 trong khung gỗ đội bóng xứ Nghệ ở mùa giải 2011. Khả năng nhìn người tinh tường của Hữu Thắng là bệ phóng để Quốc Cường chứng tỏ năng lực vốn có của bản thân.
Với 21 trận bắt chính ở mùa giải 2011, Quốc Cường đã giúp SLNA là hàng thủ vững vàng nhất V-League (để lọt lưới 29 bàn). Bản thân Quốc Cường được ghi danh với kỷ lục 770 phút không để thủng lưới, kèm theo đó là giấc mơ trở thành sự thật với bất kỳ cầu thủ nào. SLNA đoạt chức VĐQG, Quốc Cường là cái tên hiếm hoi không phải người bản xứ được nâng cao danh hiệu đó. Đúng 11 năm trải nghiệm cùng trái bóng tròn, 29 xuân xanh, Quốc Cường mới được thưởng thức mùi vị ngọt ngào của chiến thắng ở sân chơi chuyên nghiệp.
Trở về nơi khởi nghiệp
Thành công trên đỉnh cao đưa Quốc Cường trở lại mảnh đất Nam Bộ với bản hợp đồng tiền tỷ từ SLNA về N.Sài Gòn. Nhưng chưa kịp tận hưởng những ngày tháng vui vẻ ở mảnh đất Sài thành đô hội, Quốc Cường đã phải nếm trái đắng khi CLB chính thức giải tán.
Thương hiệu mà Quốc Cường gây dựng được cũng ít nhiều mai một. Từ N.Sài Gòn chuyển giao sang XMXT.Sài Gòn, CLB khi đó đã có Tấn Trường chắc suất trong khung gỗ, Quốc Cường phải trở về chốn cũ Long An để đầu quân cho “Gạch” ở tuổi ngoài 30.
Trở về quê hương, Quốc Cường cũng phải bắt đầu từ cái bóng của người đàn anh Tiến Phong. Nhưng khi người đàn anh bắt đầu cảm thấy gánh nặng tuổi tác, Quốc Cường ngay lập tức tận dụng cơ hội cho mình.
Ở mùa giải V-League đầu tiên với ĐT.Long An, Quốc Cường chơi khá tròn vai trong hơn chục trận đấu và hoàn thành mục tiêu trụ hạng cho CLB. Đến thời điểm này của V-League 2015 mới thực sự là những ngày tháng tươi đẹp nhất với Cường từ khi hồi hương.
3 trận bất bại của “Gạch” gần đây có công không nhỏ của Quốc Cường. Kể từ ngày trở lại V-League năm 2013, “Gạch” chưa bao giờ có phong độ ấn tượng như thế. Thủ thành 33 tuổi chia sẻ: “Với thành tích như hiện tại, mùa giải năm nay CLB rất tự tin hướng đến thành tích tốt hơn những mùa giải trước”.
“Đất Bắc phù hợp với tôi hơn” Quốc Cường chia sẻ về những trải nghiệm trong gần 20 năm chơi bóng: “Tôi tiếc nhất là thời điểm CLB ĐT.Long An thăng hoa nhất thì các HLV không ghi nhận năng lực của tôi để được ở đội 1 thi đấu. Điều đó khiến tôi phải ra đi lang bạt để tìm cơ hội trên đất Bắc. Nhưng khi ra đi tôi mới nhận ra được đất Bắc phù hợp với tôi hơn. Bằng chứng là 1 chức VĐQG với SLNA, điều mọi cầu thủ Việt Nam đều khát khao và tôi đã có vinh hạnh giành được nó. Trở về miền Nam thi đấu, sự nghiệp của tôi chỉ có một chiếc Cúp QG với N.Sài Gòn nhưng cũng không vui lắm vì mình chỉ sắm vai dự bị. Đầu quân cho ĐT.Long An hiện tại, CLB cũng không đặt mục tiêu cao nhưng như thế cũng phù hợp với thực lực đội. Tôi nghĩ sự nghiệp của tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Ở đây anh em vui vẻ, hòa đồng, dễ sống lắm. Bây giờ tôi chỉ có tâm nguyện thi đấu tốt nhất cùng ĐT.Long An. Hy vọng mình sẽ giúp ích được nhiều hơn cho CLB”. Ông chủ nhà trọ Quốc Cường Bản hợp đồng 2 năm với ĐT.Long An giúp Quốc Cường có được 1 tỷ đồng tiền lót tay và mức lương tốt cho bản thân. Với Quốc Cường, một người dân gốc miền Tây Nam Bộ chân chất, cuộc sống luôn lạc quan. Bóng đá không những cho anh những trải nghiệm mà nó còn giúp anh có tương lai khá vững chắc. Sau mỗi trận đấu, Quốc Cường lại trở về Trà Vinh để sum vầy với vợ và 2 con. Với 40 căn nhà trọ ở TP.Trà Vinh, mỗi tháng gia đình Quốc Cường có nguồn thu nhập ổn định để vợ chăm sóc con cái, còn Cường thoải mái thi đấu. Ý định của thủ thành sinh năm 1982 sau giải nghệ là sẽ trở về kinh doanh. |
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa