Thư Hàng Châu: Tấm huy chương và những giọt nước mắt
Đấu trường ASIAD danh giá là nơi mà các cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt để trở thành chủ nhân của những tấm huy chương để rồi đến khi đạt được thành tích đó, hầu như VĐV nào cũng rơi nước mắt.
Hôm qua là ngày mà Đoàn Thể thao Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào môn bắn súng, cụ thể hơn là ở nội dung 10m súng trường hơi di động hỗn hợp. Cũng chính bởi lý do này mà hầu hết các phóng viên Việt Nam đang có mặt tại Hàng Châu, trực tiếp đưa thông tin, hình ảnh đều có mặt tại Fuyang Yinhu Sports Centre, địa điểm tổ chức môn bắn súng.
Bất chấp quãng đường di chuyển xa, phải dậy từ sớm ai nấy trong chúng tôi cũng đều háo hức mong nhanh có mặt tại địa điểm thi đấu và mang trong mình niềm tin vào một tấn huy chương, thậm chí là huy chương vàng cho bắn súng nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung tại ASIAD 19, ASIAD lần này.
Nhưng như một lẽ thông thường, kỳ vọng càng cao, sức ép càng lớn, đó không chỉ là sức ép đối với các VĐV mà đối với giới truyền thông, chúng tôi cũng mang trong mình áp lực về những thông tin, hình ảnh thời sự "nóng" đưa trực tiếp từ hiện trường thi đấu. Huy chương đồng đã có, huy chương bạc Ngô Hữu Vương cũng đã sở hữu và Đoàn Thể thao Việt Nam có niềm tin rất lớn vào bắn súng với nội dung 10m súng trường hơi di động hỗn hợp nơi các chàng trai Hữu Vương, Công Dậu, Tuấn Anh tranh tài.
Nhưng cuối cùng, bắn súng Việt Nam, Đoàn Thể thao Việt Nam đã không thể chạm tay vào tấm huy chương ASIAD ở nội dung sở trường, có thể coi là thế mạnh này.
Việc tìm nguyên nhân hay phân tích về mặt chuyên môn nguyên nhân vì sao bắn súng Việt Nam cho đến lúc này chưa có được thành tích như kỳ vọng tại ASIAD 19 là trách nhiệm của Ban huấn luyện, Liên đoàn bắn súng Việt Nam. Còn với giới truyền thông như chúng tôi, cảm giác hụt hẫng xen lẫn một chút thất vọng là khó tránh khỏi.
Các VĐV Việt Nam không khóc, cánh phóng viên cũng thế nhưng ngay giây phút ấy, người viết cũng có cơ hội được tận hưởng một khoảnh khắc xúc động đến từ Đoàn VĐV Indonesia với xạ thủ Muhammad Sejahtera Dwi Putra là lá cờ đầu. Chàng trai sinh năm 1997 này khiến truyền thông và các đối thủ cạnh tranh cùng thi đấu với anh phải sửng sốt khi trong hai ngày thi đấu vừa qua đã liên tiếp mang về cho bắn súng Indonesia hai tấm HCV ASIAD, khẳng định vị thế số 1 của bắn súng Indonesia tại Đông Nam Á, gây tiếng vang trên đấu trường ASIAD.
Sau loạt bắn cuối cùng của mình ở nội dung 10m súng trường hơi di động hỗn hợp, mặc dù các đối thủ cạnh tranh còn chưa bắn xong nhưng khi biết mình đã chắc chắn có được tấm HCV, Muhammad Sejahtera Dwi Putra đã lao nhanh về phía HLV của mình để chia vui. Gần như ngay lập tức, tại thời điểm đó, nước mắt đã rơi trên khuôn mặt chàng trai trẻ, xạ thủ sinh năm 1997 và có chiều cao tương đối khiêm tốn. Lạnh lùng, bình tĩnh đến kỳ lạ trong thi đấu nhưng sau khi rời tay súng, cảm xúc vỡ òa và giọt nước mắt đã rơi, đó là giọt nước mắt hạnh phúc và tấm huy chương vàng chính là hiện thân của giá trị.
ASIAD 19 chưa đi được 1/2 chặng đường khát khao của các VĐV, niềm hy vọng của truyền thông cũng như người hâm mộ về các tấm huy chương vàng của kỳ á vận hội này vẫn đang rất lớn. Tất nhiên, chẳng mấy ai muốn khóc, thể hiện sự yếu mềm về cảm xúc của bản thân ra bên ngoài nhưng trong hoàn cảnh này, nước mắt cũng có giá lắm chứ.