Thể thao Việt Nam cần sức bật năm 2024
Năm 2023, thể thao Việt Nam (TTVN) dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 nhưng không thành công tại ASIAD 19. Thực trạng này đặt ra bài toán cho ngành chức năng là cần tạo sức bật mới để thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển đúng kỳ vọng.
Những thăng trầm trong năm 2023
Có thể kể những chiến tích quan trọng nhất: TTVN đã dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023. Đại hội kỳ này gồm 36 môn thể thao với tổng số 581 nội dung. Sau 20 ngày thi đấu, Đoàn TTVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giành được tổng cộng 359 huy chương các loại, trong đó 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games. Đặc biệt đây là lần đầu tiên TTVN dẫn đầu toàn đoàn tại một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực khi thi đấu ở nước ngoài.
Trong tháng 7, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham dự VCK FIFA World Cup nữ 2023 diễn ra tại New Zealand và Australia từ ngày 20/7 đến 20/8/2023. Đây là sự kiện quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2023, là thành tích có ý nghĩa lịch sử của bóng đá nước nhà nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung.
Dù không thể tạo nên bất ngờ khi thua cả 3 trận trước Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan tại vòng bảng nhưng các cô gái của chúng ta đã để lại dấu ấn đậm nét về một tinh thần Việt Nam không bao giờ từ bỏ trước khó khăn, thử thách, luôn ra sân thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và người hâm mộ.
Tuy nhiên, thành tích ở ASIAD 19 diễn ra không lâu sau đó đã nhanh chóng đưa người hâm mộ trở về thực tế rất đáng buồn: TTVN chỉ đủ sức chinh phục đấu trường Đông Nam Á. Khép lại ASIAD 19, đoàn TTVN giành 27 huy chương (trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ), xếp hạng thứ 21; xếp sau các đoàn Đông Nam Á khác là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Rõ ràng, TTVN chưa có nhiều nhân tố đạt đẳng cấp châu lục và thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, TTVN mới chỉ giành được 3 suất chính thức đến Pháp dự Olympic 2024 ở các môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Đây là con số khiêm tốn so với thực lực ở các giải đấu trước đó cũng như mục tiêu của TTVN là khoảng 10 suất tham dự.
Năm mới cần sức bật mới
Đâu là nguyên nhân khiến TTVN "hụt hơi" ở đấu trường lớn? Theo dõi quá trình phát triển có thể thấy, mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của TTVN là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục.
Bài toán thiếu trước hụt sau khiến Việt Nam loay hoay co kéo trong tấm chăn chật hẹp. Mục tiêu muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ.
Trong bối cảnh hiện nay, TTVN không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Ngoài ra, phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng.
Trước thực trạng của thể thao Việt Nam, mới đây, Cục TDTT tổ chức hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Hội nghị chỉ rõ bất cập, đưa ra giải pháp và những mục tiêu đáng chú ý tại sân chơi SEA Games, ASIAD và Olympic.
Thực ra, đã có rất nhiều "hội nghị Diên Hồng" trong địa hạt thể thao từng được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành. Dù thế, từ hội nghị bước ra thực tiễn vẫn là khoảng cách rất xa. Ngoài có chiến lược tốt thì thực hiện đúng chiến lược là điều không hề dễ dàng.
Tựu trung lại, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng lớn ở mọi cấp độ, TTVN cần có những giải pháp hữu hiệu và hành động thật sự quyết liệt để tạo nên sức bật mới, đưa thành tích dần tiếp cận tầm châu lục và thế giới.