Thư Hàng Châu: Tạm biệt Hàng Châu, hẹn gặp ở Aichi
Tối qua (8/10), sau lễ bế mạc đầy màu sắc trên sân vận động Olympic Hàng Châu, ASIAD 19 đã chính thức khép lại, kết thúc hơn 2 tuần tranh tài đầy sôi nổi.
Cả 3 HCV mà thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD 19 đều nằm trong danh sách những môn thể thao trọng điểm được ngành thể thao tập trung đầu tư, bao gồm: Cầu mây, cờ tướng, karate, xe đạp, bắn súng, bắn cung và cử tạ.
Kết quả và lộ trình như vậy là đúng với kế hoạch đặt ra, nhưng nếu bảo rằng thể thao Việt Nam đã có một kỳ Đại hội thành công mỹ mãn thì chưa chắc đã chính xác, bởi nếu tính theo bình diện Đông Nam Á thì chúng ta chỉ xếp thứ 6 trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD, đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Đây là một thực tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi mới vừa cách đây chưa đầy 5 tháng, thể thao Việt Nam đã đoạt được vị trí số một toàn đoàn tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia, nhưng khi vươn ra đấu trường châu lục là Asian Games thì chúng ta lại không thể duy trì ưu thế hàng đầu của mình.
Vẫn biết là mọi sự so sánh đều rất khập khiễng, bởi thành tích thể thao của mỗi nước ở Asian Games là kết quả của những quá trình đầu tư và chăm bón hoàn toàn khác nhau, nhưng rõ ràng thứ hạng có phần hơi khiêm tốn của thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao châu Á lần này là một bài học đáng để lưu tâm với những người làm thể thao Việt Nam.
Đấy còn chưa kể tới việc cả 2 môn bóng đá nam và nữ đều đã có một kỳ ASIAD vô cùng thất vọng, với việc bị loại ngay từ vòng bảng. Kịch bản này tuy đã được dự báo từ trước ngày lên đường song khi nó trở thành thực tế thì vẫn khiến người ta không khỏi hụt hẫng.
Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không có đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam chịu bỏ ra số tiền được cho là hơn 100 tỷ đồng để mua bản quyền ASIAD 19, từ đó dẫn tới việc truyền thông Việt Nam gặp vô vàn khó khăn để có thể truyền tải thông tin và hình ảnh về nước do sự hạn chế của BTC ASIAD 19 dành cho các quốc gia không sở hữu bản quyền hình ảnh.
Thực ra cũng không thể trách cứ các đơn vị truyền hình Việt Nam, bởi thực tế thi đấu của thể thao Việt Nam tại Đại hội năm nay cho thấy những màn trình diễn như vậy chưa phải là động lực đủ mạnh khiến cho các đơn vị truyền hình phải tìm mọi cách để mua bằng được bản quyền ASIAD 19, bởi dù là truyền hình quảng bá hay truyền hình trả tiền thì hiệu quả kinh tế vẫn cứ là ưu tiên số một.
Hy vọng rằng sau những gì diễn ra ở ASIAD 19, thể thao Việt Nam sẽ lột xác mạnh mẽ và toàn diện, để ở Asian Games 20 diễn ra tại Aichi (Nagoya) vào năm 2026, chúng ta sẽ được trực tiếp dõi theo toàn bộ quá trình thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam với niềm tin và hy vọng tràn đầy.
Tạm biệt Hàng Châu, hẹn gặp lại ở Aichi.