Thư Hàng Châu: 'Sống sót' ở xứ sở chữ tượng hình
Sau 3 lần tham dự các sự kiện thể thao có quy mô châu lục ở Trung Quốc, bao gồm 2 kỳ Asian Games và 1 VCK U23 châu Á, từ góc độ chủ quan mà nói thì chúng tôi không thể chê trách bất cứ điều gì ở công tác tổ chức, bởi những gì mà Trung Quốc đã làm trong vai trò chủ nhà là thật sự hoàn hảo.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà bất cứ ai tới Trung Quốc cũng phải thừa nhận, rằng nếu không nói hoặc không viết được tiếng Trung thì bạn sẽ rất khó xoay sở trong cuộc sống hàng ngày.
Với những phóng viên đang tác nghiệp tại ASIAD 19 như chúng tôi thì "vấn đề tiếng Trung" không xuất hiện ở những địa điểm thuộc khuôn khổ Đại hội như nơi tập luyện, thi đấu hoặc các trung tâm báo chí, bởi tại đây luôn có sẵn đội ngũ tình nguyện viên thông thạo tiếng Anh, nhưng nếu ra ngoài khuôn khổ Đại hội thì tiếng Trung thực sự là một thách thức.
Có một đồng nghiệp của chúng tôi từng suýt rơi nước mắt khi gọi một bát cháo vào bữa khuya để bồi bổ sức khoẻ sau một ngày dài mệt nhọc thì phục vụ lại bưng lên bát… rượu nếp, mà nguyên nhân chỉ vì người gọi đồ ăn không biết tiếng Trung nên chỉ chọn món ăn theo ảnh chụp mà không biết đấy là món gì, còn người phục vụ thì không nói tiếng Anh nên cũng không phản hồi lại để xác nhận với khách.
Hay có lần khác chúng tôi gọi xe công nghệ Didi trên ứng dụng Alipay để đến một nơi trong thành phố Hàng Châu. Địa điểm rõ ràng, lộ trình cũng rõ ràng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà tài xế cứ luôn miệng trình bày bằng tiếng Trung từ lúc chúng tôi lên xe cho tận tới lúc xuống xe, dù cho chúng tôi đã làm rất nhiều cách để tài xế hiểu rằng chúng tôi không phải là người bản địa.
Tính năng tự động dịch thuật của Google là một biện pháp hỗ trợ tuyệt vời cho những người không biết tiếng Trung nhờ khả năng chuyển ngữ tương đối chuẩn xác, nhưng phương pháp này cũng có vấn đề, thậm chí là vấn đề lớn.
Lý do là bởi ở Trung Quốc, những thương hiệu như Google, YouTube hay Facebook không xuất hiện, nên nếu bạn sử dụng sim điện thoại nội địa Trung Quốc hoặc sử dụng wifi tại các điểm công cộng như nhà hàng, khách sạn hay trung tâm thương mại thì bạn cũng không thể truy cập vào Google, và dĩ nhiên vì thế cũng quên luôn chuyện sử dụng tính năng dịch thuật của Google.
Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng là một câu chuyện khác, bởi nếu như hệ thống tàu điện metro hay tàu cao tốc có đủ cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc trên bảng lộ trình để khách nước ngoài tiện theo dõi, thì hệ thống xe bus lại chỉ hiển thị hầu như tiếng Trung, và bởi thế chúng tôi từng nếm mùi lạc đường vì lên nhầm tuyến xe mà không biết.
Sự khác biệt quá lớn giữa 2 hệ thống ký tự Latinh và tượng hình thực sự là một thách thức rất lớn cho những người sang Trung Quốc mà không biết tiếng Trung, nhưng bằng cách này hay cách khác, nếu tìm mọi cách xoay sở thì bạn vẫn có thể vượt qua rào cản về ngôn ngữ để làm được những gì mình muốn, như cái cách mà chúng tôi đang bước vào những ngày cuối cùng của ASIAD 19 sau hơn 2 tuần có mặt tại Hàng Châu.