Thư gửi robot Citizen: Thầy giáo, gói mì chính và nỗi niềm thưởng tết
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Những ngày mùa Đông cuối năm, khi lên mạng tìm kiếm thông tin về giáo dục càng thấy nỗi niềm u ám. Liên tiếp những câu chuyện buồn khi chính các thầy cô giáo là “thủ phạm” - học sinh phải tự tát vào mặt mình vì mắc lỗi nói chuyện hay học sinh bị bắt uống nước từ giẻ lau bảng và cả câu chuyện học sinh “tố” bị lĩnh 231 cái tát, rồi 50 cái tát đang chưa có hồi kết.
Nhưng hôm qua, báo chí đưa câu chuyện về thầy giáo nhặt được số tiền lớn đã thuê xe ôm đuổi theo để trả lại cho người đánh rơi. Chưa biết chính xác phía sau câu chuyện như thế nào, nhưng nếu đây là "người thật, việc thật" thì đó là điều khiến chúng ta ấm lòng.
***
Sophia thân mến!
Khi viết bức thư này gửi cô, Hà Nội đang rất giá lạnh. Ngoài trời chỉ 10 độ C và ngày tháng đang trôi về điểm mốc cuối năm. Và câu chuyện thưởng Tết bắt đầu râm ran. Đó là khoản thu nhập đáng kể cho mỗi người lao động mỗi dịp năm hết Tết về để lo cho gia đình.
Theo tôi biết, ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng tết cho giáo viên. Khoản thưởng hằng năm mà các trường chi cho giáo viên là khoản kết dư cuối năm. Nếu trường nào chi tiêu hợp lý thì cuối năm dư ra sẽ thưởng cho giáo viên, mang ý nghĩa tượng trưng gọi là có quà Tết.
Trong khi thiên hạ xôn xao chuyện thưởng Tết chục triệu, trăm triệu, thì những giáo viên nghèo ngậm ngùi nhận gói mì chính, chai dầu ăn, thậm chí là không có gì. Những ngày Tết, những người thầy lại co bên này, kéo bên kia mong cho gia đình một cái Tết chu toàn.
Ngay cả tại TP.HCM, thành phố giàu nhất cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành văn bản gửi trưởng phòng giáo dục 19 quận nội thành và hiệu trưởng các trường về việc vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị có điều kiện hỗ trợ chia sẻ với đồng nghiệp. Tức là vận động kiểu “lá lành đùm lá rách” như câu tục ngữ rất nhân văn của đất nước tôi ấy. Còn công đoàn ngành giáo dục thành phố sẽ thực hiện chương trình thăm và tặng quà đối với các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, mức chăm lo thấp nhất là 500 nghìn đồng.
Nhớ lại cái Tết thời vừa qua bao cấp, mẹ tôi - công nhân viên của một nhà máy, ngày Tết cơ quan dẫu nghèo nhưng bao giờ cũng có chút quà là hộp mứt hồng, chai rượu chanh, gói chè sen hay mì chính và mấy thứ gia giảm Tết.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, tính đến bây giờ, 500 nghìn đồng cùng lắm cũng chỉ xoay xỏa được mấy món đồ ấy thôi. Tết đến, niềm vui chưa thấy đâu, người thầy đã chất chồng những lo toan, bộn bề hơn cả thường ngày.
Có những giáo viên xa quê, đi cả năm trời, ngày Tết đến khi nghĩ về cha mẹ ở quê mà chạnh lòng, tủi phận tha hương. Ngày Tết, khi những dòng người hối hả qua lại trong tiếng nói cười hân hoan thì có những thầy cô bần thần một thân một mình gặm nhấm nỗi buồn, ao ước một ngày có đủ điều kiện về quê sum vầy lo toan cho gia đình.
Hẹn gặp cô thư sau!
Nguyễn Gia