Thư gửi robot Citizen: 'Tâm linh' và đạo lý
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Câu chuyện về câu lạc bộ Tình người đang thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần vừa qua, vì nó liên quan đến một chủ đề rất nhạy cảm: Tâm linh.
Theo những gì báo chí đưa tin, trong suốt thời gian hoạt động, CLB Tình người luôn đề cao phương châm “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”…, nghe có vẻ rất phù hợp với đạo lý. Thế nhưng đằng sau đó lại là những buổi rao giảng, truyền bá những thứ có dấu hiệu mê tín dị đoan, núp bóng “tâm linh”, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét…
Sophia thân mến!
“Tâm linh” là địa hạt không mới. Từ bao đời nay, người ta vẫn sống với niềm tin thánh thiện vào tâm linh. Nhưng cũng vì tính chất cao siêu, huyền hoặc, khó lý giải của nó mà nhiều vấn đề tâm linh cũng rất dễ bị lợi dụng, bị trục lợi, hoặc bị hiểu sai, thực hành sai.
Phải hiểu và thực hành tâm linh như thế nào cho đúng? Thật khó để trả lời câu hỏi này cho từng người.
Xin phép kể cho cô nghe hai câu chuyện về việc thực hành tâm linh của cá nhân tôi.
Chuyện thứ nhất: Gần đây, chúng tôi có chuyến đi tham quan cao nguyên đá Đồng Văn, nơi địa đầu tổ quốc. Khi xe chúng tôi sắp vào địa phận tỉnh Hà Giang, mọi người trên xe bàn luận xem là nên đến địa điểm nào trước? Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên hay các làng du lịch văn hóa cộng đồng, hay là lên cửa khẩu Thanh Thủy? Sau một hồi cân nhắc, anh trưởng xe - là người đã lên Hà Giang nhiều lần - quyết định tất cả cùng nhau vào nghĩa trang trước, rồi sau đấy muốn đi đâu tiếp thì đi.
Bản thân tôi đã từng là người lính, hơn nữa trong gia đình tôi hiện nay còn có người anh rể là thương binh tại mặt trận này, cho nên tôi ủng hộ quyết định của anh, vào thăm nghĩa trang, thắp hương cho các liệt sỹ. Khi xe rời nghĩa trang tiếp tục hành trình khám phá, anh trưởng xe mới nói rằng khi mình đã biết có nghĩa trang ở đây mà chưa vào thắp nén hương thì cảm thấy không yên tâm. Đi tham quan những chỗ khác cũng không thấy thoải mái trong lòng. Cho nên khi lên đây thì kiểu gì cũng phải vào thắp hương trong nghĩa trang trước đã. Đó cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Một chuyện khác: Tôi có quen một người anh có nhiều kiến thức về phong thủy. Trong một lần trò chuyện, tôi có hỏi anh khi ra mộ thắp hương cho ông bà, bố mẹ, chúng ta nên thắp hương cho các mộ bên cạnh cùng một lúc hay là tiến hành làm sau khi đã đặt lễ, thắp hương cho các cụ nhà mình?
Anh bảo: “Nên đặt lễ rồi thắp hương cho các cụ xong rồi mới chia hương đi thắp cho các ngôi mộ xung quanh. Việc này cũng giống như chúng ta về thăm bố mẹ khi còn sống vậy, phải vào chào hỏi, thưa chuyện bố mẹ mình xong xuôi rồi mới xin phép qua nhà hàng xóm chơi. Như thế mới phải đạo”.
Sophia thân mến!
Thờ cúng ông bà tổ tiên, phụng thờ các anh hùng dân tộc có công với nước, tôn thờ thần, phật, thánh, mẫu... là tôn giáo, tín ngưỡng, là tâm linhcủa người dân Việt Nam. Tuy nhiên, thực hành tâm linh như thế nào cho phải lẽ, từ cách cúng kiếng, khấn khứa, lễ bái, thắp nhang, cho đến việc kiêng khem… lại phụ thuộc vào nhận thức, vào hành vi cụ thể của từng người. Và tôi tin là mỗi người sẽ đưa ra câu trả lời cho riêng mình.
Với riêng tôi, chuyện tâm linh có lẽ không nằm ngoài luật nhân - quả, nói theo các cụ trước đây là phải xem lại cái tâm của mình khi hành lễ, xem cách ăn ở của chính bản thân mình, xem những hành vi ứng xử của mình trong cuộc sống hàng ngày đã chuẩn mực, đúng đắn, hợp đạo lý hay chưa? Ứng xử làm sao cho “phải đạo làm người” là quan trọng nhất.Sau đây hãy bàn chuyện khác. Tức là nếu có xảy ra chuyện gì thì vẫn cứ “Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân”, không thể mượn chuyện quỷ thần để biện hộ hay đổ lỗi.
Sống tử tế, làm những việc phù hợp với đạo lý, chắc là sự bình an sẽ đến với mỗi người. Có phải vậy không?
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An