Thư gửi robot citizen: Sinh tồn
Sophia thân mến! Câu chuyện bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, Hà Nội, rơi xuống vực sâu khi tham quan chùa Đồng, khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), thật li kỳ.
7 ngày với 168 giờ ở độ cao 1.068 mét, trong điều kiến thời tiết hết sức khắc nghiệt, bà Liên đã vận dụng mọi kiến thức sinh tồn, ăn các rễ cây, để tồn tại cho đến khi được lực lượng cứu hộ xuống vực giải cứu.
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - đánh giá việc bà Liên bình an trở về là… kỳ tích của những kỳ tích.
Tôi tự đặt câu hỏi: Nếu không phải là bà Liên, mà một người bình thường khác, dĩ nhiên không phải là các vận động viên chuyên nghiệp, liệu có vượt qua được hiểm nghèo? Thật khó hình dung bởi 7 ngày là một khoảng thời gian quá dài đối với một người đàn bà chân yếu, tay mềm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tâm trạng cô độc, tuyệt vọng.
Phải thừa nhận bà Liên đã rất may mắn khi mấy cú té xuống vực không để lại chấn thương nghiêm trọng. Nhưng, nếu bà không có kỹ năng sinh tồn tốt thì hẳn là điều “kỳ tích của những kỳ tích” này đã không xảy ra.
Kỹ năng sinh tồn là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ loại môi trường tự nhiên hoặc môi trường xây dựng nào. Nếu như bản năng sinh tồn vốn tiềm ẩn ở mỗi người, thì kỹ năng sinh tồn là hội tụ của quá trình được đào tạo và tự học tập, rèn luyện. Kỹ năng chuyên sâu mức độ nào phụ thuộc vào nỗ lực rèn luyện, trải nghiệm thực tế của mỗi cá nhân.
Trong xã hội hiện đại, con người vẫn phải đối diện với các mối hiểm nguy không thể lường trước được. Ở các nước tiên tiến, trường học rất chú trọng đào tạo các kỹ năng sinh tồn cho trẻ em ngay từ nhỏ. Ở ta, ngay việc phổ cập cho trẻ em kỹ năng sinh tồn còn rất hạn chế. Đơn cử như việctrang bị được kỹ năng bơi lộicho các em luôn gặp đủ mọi thách thức. Thời gian gần đây, khi cả nước đã bình thường trở lại sau đại dịch, đặc biệt thời tiết chuyển sang Hè, liên tiếp những vụ trẻ em đuối nước hết sức thương tâm. Thủ tướng Chính phủ vừa phải gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Vì sao lại xảy ra nghịch lý tồn tại nhiều năm như thế? Nhà trường đã dạy các em những gì ngoài kiến thức sách vở? Việt Nam có hệ thống sông ngòi, bãi biển tuyệt vời nhưng tại sao mỗi việc dạy bơi cho các em để đẩy lùi hiểm họa đuối nước lại quá khó khăn?
- Thư gửi robot citizen: Bỏ phố về quê
- Thư gửi robot citizen: Lời thì thầm của cuộc sống
- Thư gửi robot Citizen: Hạnh phúc là cái chi chi…
Sophia biết không?
Câu chuyện nhiều trẻ em không biết bơi chỉ là một trong những điểm yếu của hệ thống giáo dục ở chúng tôi. Rất dễ dàng nhận thấy các thế hệ trẻ hiện nay, dù thể trạng càng ngày càng được cải thiện, kiến thức rộng và sâu hơn, nhưng các kỹ năng sống nói chung vẫn còn rất hạn chế. Vậy nên, đào tạo nên các thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh cả thể chất, trí tuệ, thích ứng được mọi hoàn cảnh là một sứ mệnh mà ngành giáo dục phải chú trọng.
Để ý, trên truyền hình hoặc cộng đồng mạng, các chương trình liên quan đến kỹ năng sinh tồn đều thu hút lượng tương tác rất lớn. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chúng tôi cũng rất thích các kênh theo xu hướng trên.
Cho dù thế, từ truyền hình đến cuộc sống là một khoảng cách rất xa.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý