Thư gửi robot citizen: Bỏ phố về quê
Sophia thân mến! Cuối tuần này và đầu tuần sau là nghỉ lễ 30/4, 1/5. So với đợt “thử lửa” dịp Giỗ tổ Hùng Vương, kỳ nghỉ lần này cả nước đã thực sự “bình thường mới”. Điều đó khiến cho nhiều gia đình yên tâm lên kế hoạch đi du lịch để thỏa chí tang bồng.
Để ý, thấy nhiều người rủ nhau về quê để hưởng không khí thanh khiết, kiểu trải chiếu dưới hàng cau uống rượu, thưởng thức sản vật quê, ngắm trăng cùng bạn bè chân chất mà quên đi những ngày tháng ngột ngạt, những bon chen nơi đô hội.
Thời gian trước, việc về quê trốn dịch đã định hình một xu hướng đáng quan tâm - khi có những đôi trẻ quyết định chia tay thành phố để trở về quê nhà, hoặc ở cách xa trung tâm để tạo dựng cuộc sống mới. Hình ảnh họcó một cuộc sống ở thôn trang êm đềm, vui thú điền viên đã gây thích thú cộng đồng mạng. Thậm chí, truyền cảm hứng không ít cho giới trẻ về một xu hướng, triết lý sống cũ mà mới.
Thực ra, chuyện "hành"- "tàng"', "xuất thế"- "nhập thế' đã tồn tại rất lâu trong lịch sử loài người. Ở mỗi giai đoạn, thái độ, hình thức, nhu cầu của người muốn lánh xa chốn xô bồ mỗi khác.Câu chuyện các bậc túc nho, quân tử "thực vô cầu bảo", buông bỏ danh lợi để về sống ẩn dật nhằm giữ khí tiết kiểu "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, khác xa thế hệ sau này.
Cho đến thời đại 4.0 ngày nay, những ai bỏ phố về quê sống được lâu dài không đơn giản chút nào. Đầu tiên, động lực thôi thúc về quê, đấy là cha mẹ. Mất cha mẹ rồi thì một khoảng trống vắng hun hút đã phơi bày trước mắt. Ngay cả những ngày lễ Tết, sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi về thăm mái nhà xưa mà cha mẹ không còn. Thứ nữa, đất đai ở quê bây giờ cũng vô cùng đắt đỏ, phải nói là cả nước đang lên cơn sốt đất. Mua được mảnh đất, xây được cái nhà đã tốn tiền tỷ, vậy thì những người trẻ đã kịp "giắt lưng" đủ cơ số tiền cho cuộc lập nghiệp ở quê chưa?
Ở quê thì mưu sinh ra sao? Câu hỏi này càng hóc búa khi không phải vùng quê nào đất đai cũng trù mật, việc làm phong phú. Hãy nhìn những phong trào giải cứu nông, lâm, hải sản, đủ biết rằng làm nông ở ta còn khó khăn đủ đường. Chỉ những nông dân thực thụ đã ăn ở lâu dài ở quê mới chịu nổi. Hoặc, những lao động xuất khẩu nước ngoài có ít vốn về bám trụ cùng quê hương.
Cuối cùng, cơ sở vật chất, nề nếp, lối sống ở thành phố và vùng quê vẫn còn quá xa. Về quê ăn Tết dămngày có thể vui, nhưng nếu ở lại 1 tháng thì nỗi nhớ phố phường thực sự trào dâng.
Vậy nên, sau những ngày Tết, lễ, những dòng lao động trẻ vẫn ùn ùn đổ về các thành phố. Các ông bố, bà mẹ luôn thôi thúc con trẻ ăn học để mong sẽ "ly nông" và chấp nhận "ly hương".
- Thư gửi robot citizen: Lời thì thầm của cuộc sống
- Thư gửi robot Citizen: 'Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần'…
- Thư gửi robot Citizen: Lời thì thầm của mùa Xuân
Sophia thân mến!
Với tôi, cha mẹ thường động viên nghỉ hưu non về quê ở. Vườn tược bao la, khí hậu ôn hòa. Tôi đành dạ vâng để các cụ khỏi buồn bởi dễ gì về được. Trong vùng, đếm kỹ cũng thấy mấy ai hưu trí về quê ở hẳn đâu. Họ chỉ góp tiền xây lại nhà bố mẹ khang trang làm nhà thờ, cải tạo vườn tược để mỗi năm cùng lắm giỗ, Tết về một đôi lần. Xu hướng chọn một mảnh đất ven đô thị, xây biệt thự nghỉ dưỡng là phổ biến. Cuối tuần cả gia đình về đó giải trí, cũng cân bằng được ít nhiều cuộc sống giữa nông thôn và thành thị.
Qua rồi cái thời "một túp lều tranh, hai trái tim vàng". Cuộc sống ở nông thôn không đơn giản chút nào. Vậy nên, các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định bỏ phố về quê. Tuổi trẻ dù sao vẫn ưu tiên cho dấn thân, trải nghiệm và chinh phục các giới hạn, thay vì an nhiên sau lũy tre làng.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý