Thư gửi robot Citizen: Những nỗi đau... hàng đầu
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Phải nói với cô rằng đây là bức thư nói về những câu chuyện buồn, buồn đến nhức nhối vừa xảy ra. Một đứa trẻ vừa chào đời đã bị tước đi mạng sống theo một cách đau đớn nhất ít ai có thể tưởng tượng vì bị ném qua ô thoáng nhà vệ sinh từ tầng 31 chung cư.
Pháp y xác định đứa trẻ sơ sinh mang giới tính nữ, phổi đã có lưu thông khí, có phản ứng sống, tử thi có thương tích vùng đầu gây tụ máu, nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não.
Vụ khác cũng rúng động không kém, một người mẹ trẻ bị tước đoạt mạng sống cùng hai người chấn thương sọ não và nhiều người bị thương khi dừng đèn đỏ thì bị chiếc xe hơi lao vào.
Họ đều là những sinh mạng vô tội.
Hai vụ việc trên ở hai thành phố lớn nhất nước, ở cách rất xa nhau, dù không liên quan nhưng nó lại điển hình cho hai vấn đề nhức nhối mà Việt Nam bị xếp hạng... hàng đầu thế giới.
Sophia ạ, Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Y tế Thế giới năm ngoái, Việt Nam là nước có số ca nạo phá thai hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Nga. Trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai hàng năm được công bố ở Việt Nam, có đến 80% tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi, tức là thai to. Có tới có đến 60 - 70% các ca nạo phá thai là sinh viên, học sinh ở độ tuổi 15- 19 tuổi, 20 - 30% là phụ nữ chưa kết hôn.
Có thể cô gái trẻ ném con từ tầng 31 đã không kịp làm cái việc mà hàng ngày, hàng giờ hàng trăm người vẫn làm ở bệnh viện, phòng khám cấp phép lẫn “chui” khắp cả nước. Không phải không có lý do để Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao đến thế, đó chính là việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục trong nhà trường và gia đình trong một thời gian dài bị bỏ ngỏ.
Nói chuyện quan hệ tình dục an toàn trước mặt bọn trẻ là một thứ gì đó rất khó khăn và khiên cưỡng. Chúng tôi mãi tranh cãi câu chuyện “vẽ đường cho hươu chạy hay để hươu chạy lung tung?”. Và mỗi ngày, gần ngàn sinh linh bé bỏng vẫn đang hoài thai chưa kịp chào đời phải ra đi tức tưởi.
Còn trên đường phố, mỗi ngày trung bình có hơn 25 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về vì tai nạn giao thông, cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát, nhiều đứa trẻ bỗng nhiên mồ côi cha mẹ… “Có thể nói chúng ta sống trong thời bình nhưng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giống như những năm chiến tranh. Đây là vấn nạn khiến tôi và ngành giao thông hết sức đau lòng” - lãnh đạo Bộ GTVT phát biểu hồi đầu năm nay.
Lý do khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thuộc Top cao thế giới chủ yếu là do rượu bia. Tiêu thụ rượu bia, Việt Nam giành ngôi "á quân” Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á. Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm, tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia cũng là hàng đầu thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới.
Sophia ạ, đấy là 2 câu chuyện “điển hình” nhức nhối của chúng tôi. Những thanh thiếu niên không có giáo dục giới tính đầy đủ đã sống xa gia đình hoặc xa “tầm mắt” của cha mẹ, những người say mềm rượu bia vẫn vô tư lái xe trên đường. Sau những cuộc vui của tuổi trẻ thả rông là mầm sống được thành hình. Sau cuộc vui ngất người bên tiệc bia rượu là sinh mạng người vô tội. Sung sướng mình hưởng, tai họa người khác gánh.
Tôi không bào chữa cho hai người phụ nữ kia, họ phải trả giá cho tội ác sau cái hất tay vô nhân tính từ tầng 31 và cái đạp chân ga trong cơn say, nói vậy để thấy, nỗi đau có thể lặp lại bất cứ khi nào.
Hẹn gặp Sophia ở thư sau!
Nguyễn Gia