Thư gửi robot Citizen: Kẹt xe hay tắc nghẽn văn hóa giao thông?
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Lá thư này tôi viết cho cô khi mà chỉ còn non một tháng nữa là kết thúc năm Dương lịch, chuẩn bị đón chào năm mới. Buồn một nỗi sắp sang năm mới nhưng mà tại đất nước chúng tôi vẫn còn rất nhiều chuyện cũ cứ lặp đi lặp lại, trong đó có vấn nạn kẹt xe.
Ngay trong ngày đầu tháng 12 này, tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn, khiến cho các xe hư hỏng nặng và nằm chắn trên đường cao tốc gây nên tắc đường kéo dài, rất may là không có thương vong về người.
Câu chuyện nếu chỉ như vậy thì không có gì đáng nói thêm. Thế nhưng trong lúc chờ các bộ phận chức năng đến giải cứu, điều tiết giao thông thì một số tài xế xe chạy hướng từ Đồng Nai lên TP.HCM đã tự ý “giải thoát mình” bằng cách tháo barie cao tốc đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai để quay lại quốc lộ 51.
Sophia thân mến!
Chuyện tắc đường thì tại nhiều quốc gia trên thế giới hầu như đều có cả. Cái khác biệt có thể thấy chính là chuyện mọi người ứng xử ra sao khi lâm vào tình trạng này? Văn hóa giao thông của một quốc gia có lẽ thể hiện rõ nét nhất những lúc như thế.
Vậy mà ở Việt Nam, ở nhiều nơi, hễ xảy ra ùn tắc là lại tái diễn tình trạng ô tô lấn làn xe máy, xe máy thì lao lên vỉa hè chiếm không gian của người đi bộ. Chưa kể xe cộ còn lấn sanglàn đường ngược lại, không ai chịu nhường ai cả. Hệ quả là tất cả cùng hỗn loạn, các phương tiện quay ngang, quay ngược, bấm còi inh ỏi, xả khói mù mịt… khiến cho đường vốn đã ùn ứ lại càng thêm tắc tị.
Khi nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong giao thông hàng ngày, ai cũng quy kết nào là cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống pháp luật không đồng bộ, nhiều xe máy quá, rồi ô tô vào thành phố chiếm hết cả lòng đường, vỉa hè… Nhưng trong câu chuyện của các tài xế ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây, không thể nói tuyến cao tốc này là “cơ sở hạ tầng yếu kém” được. Và cá nhân tôi cũng không tin rằng những tài xế này không hiểu rõ luật. Rõ ràng đây là những hành vi coi thường pháp luật, không tôn trọng tính mạng của mình và của người khác.
Sophia thân mến!
Tại Việt Nam, văn hóa giao thông quả thật là một câu chuyện dài, tốn kém rất nhiều giấy mực của báo chí nhiều năm qua.Không biết bao nhiêu cuộc hội thảo, các dự án, rồi các cuộc vận động để người dân tham giao giao thông có ý thức hơn… Thế nhưng có vẻ như mọi chuyện vẫn chưa có được lời giải.
Chắc là Sophia cũng đồng ý với tôi rằng, văn hóa giao thông được hình thành từ ý thức tự giác và sự chi phối của thiết chế xã hội. Vậy thì nếu như tăng mức xử phạt theo luật định thì ý thức tự giác có tăng lên không? Ý thức tự giác khi tham gia giao thông có thực sự quá khó để thực hiện?
Tôi vẫn nhớ hình ảnh kẹt xe trật tự tại Hà Nội cách đây mấy tháng được đăng tải trên mạng xã hội. Trong ảnh là đoàn xe xếp hàng ngay ngắn bên phần đường của mình được chụp tại thời điểm trời đổ mưa lớn, con đường nhỏ khiến dòng xe cộ chỉ có thể nhích từng mét. Thế nhưng các tài xế vẫn kiên nhẫn chờ đợi nhau, không ai vượt lên dù làn đường bên kia hoàn toàn trống trải. Đó có thể là ví dụ để nói rằng ý thức tự giác chấp hành, tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông không phải là điều gì xa xỉ, mà mọi người có thể làm được.
Để có thể hạn chế tiến đến xóa bỏ vấn nạn kẹt xe, tắc đường. Theo cá nhân tôi, có lẽ phải “khơi” để cho đừng “tắc nghẽn” về văn hóa giao thông trước, đặc biệt luật pháp phải làm sao để “cái tôi vị kỷ, tuỳ tiện” của mỗi người khi tham gia giao thông không có cơ hội lây lan. Khi ý thức của mọi người đã được “thông” thì chắc hẳn chuyện tắc đường dù có xảy ra nhưng sẽ không còn những câu chuyện kiểu như “hai con dê qua cầu”. Bớt đi những “cái tôi” láu cákhi tham gia giao thông mà thay vào đó là cái “chúng ta” -đó là điều cần hướng tới.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Khánh