Thư gửi robot Citizen: 'Hôm qua, em đến trường...'
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Ngày 21/2 này, 2 con tôi - đứa lớp 5, đứa lớp 4 - sẽ được đến trường học trực tiếp. Không chỉ Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác, học sinh mầm non đến lớp 6 cũng lần lượt tới trường.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/2, tổng số học sinh đi học trực tiếp trên cả nước là trên 21 triệu, đạt 93,71%. Cấp mầm non có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Cấp tiểu học có 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp.
Vậy là từ 30/4 năm trước, 2 con tôi cùng biết bao đứa trẻ không được đến trường. Nhìn bộ quần áo mới tinh sắm cho chúng năm ngoái nay đã ngắn cũn, mẹ cháu phải đi may đo mấy bộ mới, thấy thời gian trôi nhanh quá. Đồng phục con mới mặc vài lần, nay lại phải cất vào tủ, đấy sẽ là kỷ vật đáng nhớ.
Nói là nhanh nhưng với lũ trẻ, những chuỗi ngày bị nhốt trong nhà thực sự lê thê. Dịch bệnh đã tước đi của các con biết bao hoạt động quan trọng để tích lũy cho hành trang vào đời. Những ông bố, bà mẹ thực sự mướt mồ hôi khi ngoài lo chuyện công việc mưu sinh, lại phải thường xuyên chăm lo cho con cái ở nhà.
Là phụ huynh, tôi cũng biết rằng, việc cho con đến trường vào thời gian này cũng có rất nhiều nỗi lo. Sau dịp Tết Nguyên đán, dịch bệnh đã bùng phát đến tận các vùng quê hẻo lánh, do người lớn đổ về từ thập phương. Tuy thế, đã đến lúc phải chấp nhận việc đưa học sinh đến trường là điều đương nhiên khi cả xã hội tiến tới trạng thái bình thường mới. Cũng bớt lo khi chứng kiến nhiều trẻ em bị nhiễm Covid-19 nhưng rất nhanh khỏi bệnh. Trẻ em đúng là thiên thần, chính chúng hồi phục nhanh nhất, truyền năng lượng và cảm hứng tích cực cho người lớn vượt lên gian khó.
Sophia thân mến!
Ngành giáo dục chúng tôi đã trải qua giai đoạn gian lao nhất trong mấy chục năm trở lại đây. Chạnh lòng khi đọc thông tin về việc nhiều trẻ em khi được đến trường thì trường đã không còn, cô thì mất việc. Nhiều trường mầm non tư thục đã không thể cầm cự do tiền thuê mặt bằng, do không có nguồn thu, nên đành phải giải thể. Nhiều cô giáo nhận dạy theo nhóm 3-5 em hòng cầm cự, nhưng rồi cũng không thể.
Đầu năm, chuyện giáo dục vẫn là chủ đề nóng. Ngay cả cách học sinh xưng "con" với thầy, cô giáo cũng bỗng chốc gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng cách xưng hô này là vô lý, cần phải chấn chỉnh ngay. Nhưng cũng có ý kiến trung dung hơn, với lý do việc xưng hô là theo lẽ tự nhiên, cả 2 bên thấy thuận thì thôi. Và rằng, việc cần thiết lúc này không phải là chuyện xưng hô mà là những phát kiến lớn hơn và thiết thực hơn để nâng cao chất lượng giáo dục giữa trập trùng khó khăn vì dịch bệnh.
Dịch giã đã giúp chúng ta nhận ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện, trong đó có chuyện nuôi dạy trẻ.
Và điều cần hoàn thiện trước tiên lúc này là phải tổ chức như thế nàocho thật an toàn, chu đáo để đón học sinh trở lại trường. Trong khi chuẩn bị quần áo, sách vở cho các con, cảm giác lần đầu tiên được mẹ đưa đến trường bỗng sống dậy trong tôi với biết bao háo hức thuở nào: "Hôm qua, em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước...".
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý