Thư gửi robot Citizen: 'Con cái chúng ta đang xem gì trên mạng'?
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Hôm nay tôi sẽ kể cho cô nghe về một loại virus đang lây lan trong thế giới của chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ, lứa tuổi học sinh cuối cấp 2 và cấp 3. Loại virus này có tên gọi là virus “thần tượng”.
Chuyện tôn một ai đó trong cuộc sống làm thần tượng thì không phải bây giờ mới xuất hiện, vấn đề là thần tượng ấy như thế nào, có xứng đáng là hình mẫu hay không?
Lục lại quá khứ, thời còn là học sinh chúng tôi rất thích cuộc phiêu lưu thực thi công vụ của Đại úy tình báo Deanov đẹp trai, tài ba và vô cùng mưu trí, dũng cảm trong phim Trên từng cây số của Bulgaria.
Khán giả Việt Nam mê Deanov đến mức tìm mua ảnh của anh về dán trên tường, dán vào sổ tay, thậm chí còn gài vào ví như một thứ tùy thân… Còn chúng tôi khi đó thì bất cứ lúc nào ngồi tụ tập, chủ đề đầu tiên bao giờ cũng là Deanov.
Sau đó, khi bộ phim Ván bài lật ngửa xuất hiện, thêm một nhân vật được giới trẻ chúng tôi vô cùng yêu thích. Đó là diễn viên Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân. Những hình ảnh đầu tiên trong phim khi anh Nguyễn Thành Luân với áo khoác, mũ phớt, bước ra từ ô tô, đi bộ trong rừng cao su quả thật có sức hút ghê gớm, đặc biệt là phái nữ.
Ai trong chúng ta chẳng thích cái đẹp và những hành động cao thượng, nghĩa hiệp. Cho nên “thần tượng” các anh là đúng thôi.
Với học sinh bây giờ thì “thần tượng” là thế nào Sophia có biết không?
Vừa rồi, trong thế giới của chúng tôi vừa xảy ra chuyện: Một số học sinh nữ đánh hội đồng bạn mình, quay clip đưa lên mạng. Rồi lại xảy ra chuyện một thanh niên tên là Ngô Bá Khá (26 tuổi) bị khởi tố bị can về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Công an đang mở rộng điều tra vụ án và các hành vi trái pháp luật khác của Khá để xử lý.
Vấn đề Ngô Bá Khá là anh ta nổi danh trên mạng xã hội với tên Khá "Bảnh", đăng nhiều video có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube với gần 2 triệu người đăng ký theo dõi và anh ta thu bộn tiền từ việc đó. Thực tế Khá "Bảnh" được coi là “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ, đa phần là lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3.
Trong những bức ảnh liên quan, ta có thể thấy những cô cậu học trò còn non nớt ào ào hớn hở chạy ra vây quanh anh Khá “Bảnh” khi cậu ta xuất hiện. Các em thích cái vẻ ngang tàng giả tạo khoác lên nhân vật này, mà không cần quan tâm đến giá trị thật.
Khi hiện tượng Khá “Bảnh” đã thành vấn đề nhức nhối, không ít phụ huynh mới giật mình nhìn lại các hành vi, cử chỉ của con cái mình và tá hỏa nhận ra, chúng đã "bắt chước" thần tượng Khá “Bảnh” của chúng từ bao giờ họ không hề biết.
Dễ thấy nhất là hiện tượng các em bắt chước điệu "múa quạt" được cho là gắn với "thương hiệu" Khá “Bảnh”. Điệu múa quạt có thể là nhăng nhít, vô hại, nhưng liệu còn biết bao thứ khác mà Khá "Bảnh" cùng những tay "giang hồ mạng" khác như “thánh chửi” Dương Minh Tuyền đã "nhồi" vào đầu các em qua các video từng lan tràn trên mạng? Những thứ đó đã ảnh hưởng như thế nào tới các em? Có phải là nguyên nhân sâu xa để nảy sinh ra những hành động, hành vi lệch chuẩn, tôn sùng bạo lực ở các em như đánh đập dã man bạn bè chỉ để thể hiện bản thân?
Trước khi Khá “Bảnh” đốt xe, đánh bạc rồi bị bắt, người lớn chúng ta đã làm gì để cho các em nhận biết được sự nguy hại của con virus Khá “Bảnh” này trước khi nó lây lan, phát tán?
Trong giáo dục thế hệ trẻ thì trách nhiệm tiên quyết vẫn là từ trong gia đình, cho nên các phụ huynh đừng nghĩ rằng mình vô can. Hãy kiểm điểm lại xem trong mỗi gia đình, chúng ta đã quản lý việc xem, nghe và nhìn của các em như thế nào? Chiếc ti vi có thể kết nối internet cùng các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng đã mang đến những gì cho chúng?
Hãy bắt đầu bằng câu hỏi "Con cái chúng ta đang xem gì trên mạng"? Đây chính là câu hỏi cho cả cộng đồng, phải không Sophia?
Hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Thắng